Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm

Thứ Ba, 19/04/2022, 05:12

Ngày 18/4, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2022) sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo đó, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022” với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm -0
Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm.

Ngoài thường xuyên tuyên truyền pháp luật liên quan, ngành chức năng của thành phố còn tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Công tác thanh, kiểm tra trong Tháng hành động hướng đến các đối tượng: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; bị phản ánh từ các cá nhân, tổ chức, báo đài.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong quá trình kiểm tra tập trung xem xét các nội dung như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý; Nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn.

Cơ quan chức năng cũng kiểm tra việc quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Đồng thời kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật An toàn thực phẩm và thông tư của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương...

“Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2022 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu.

Nguyễn Cảnh
.
.
.