Kiếm tiền tỉ từ vỏ hạt điều
Thứ phế thải vỏ hạt điều mà trước đây phải dày công đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường bởi lượng khói thải chứa vô vàn chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe con người, thì nay nhiều doanh nghiệp ở Bình Phước đã tận dụng ép thành dầu phục vụ cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, vừa dễ kiếm tiền vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Theo anh Bùi Hữu Phước - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Phước Thành (phường Phước Bình, thị xã Phước Long) nhận thấy trong quy trình sản xuất nhân hạt điều, các nhà máy phát sinh ra một lượng lớn rác thải từ vỏ hạt điều sau chế biến. Do đó, sau 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất chết biến hạt điều, năm 2011, anh chuyển sang đầu tư xây dựng nhà máy ép dầu từ vỏ hạt điều với quy mô 7 máy ép.
Năm 2018, anh tiếp tục đầu tư hệ thống với công suất 40 máy ép dầu điều. Hiện mỗi ngày, nhà máy tiêu thụ gần 1.500 tấn vỏ hạt điều. Theo anh Phước, 1 tấn vỏ điều có thể sản xuất ra 230-250kg dầu, than còn lại sau khi ép cũng được tận dụng làm chất đốt. Một kg dầu hiện được bán ra trung bình với giá 10 ngàn đồng, tương đương lợi nhuận 23-25 triệu đồng/tấn vỏ điều. Với thị trường rộng mở, mỗi năm doanh nghiệp anh thu về hàng tỉ đồng, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí.
“Thị trường dầu điều hiện rất lớn và không ngừng được mở rộng. Thị trường trong nước chỉ sử dụng 10-20%, chủ yếu xuất khẩu, chiếm 80% sản lượng. Trước đây dầu điều được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, những năm gần đây mở rộng thêm sang châu Âu, Mỹ” - anh Phước cho hay.
Riêng tại thị xã Phước Long, “thủ phủ” của cây điều Bình Phước, có nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến điều nhiều nhất, dồi dào nguyên liệu vỏ hạt điều đã có hơn 10 cơ sở sản xuất dầu điều. Chị Nguyễn Tâm Hạnh - Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hạnh (phường Long Phước, thị xã Phước Long) cho biết, doanh nghiệp của chị sản xuất nhân hạt điều đã 20 năm nay. Hằng ngày doanh nghiệp của chị thải ra lượng lớn chất thải từ vỏ hạt điều sau chế biến. Theo tính toán, cứ mỗi kg hạt điều sau khi bóc tách nhân thì lượng vỏ chiếm khoảng 60-70%.
Vỏ hạt điều thường sẽ làm chất đốt, nhưng chất đốt này thật sự đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, còn bỏ đi thì tốn công vận chuyển, nơi tập kết, gây lãng phí rất lớn. Tuy nhiên từ ngày các doanh nghiệp ở địa phương đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng dầu từ vỏ hạt điều nên rất thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nhân hạt điều.
“Mỗi ngày doanh nghiệp của tôi sản xuất hơn 3 tấn nhân điều, tương đương thải ra khoảng 9-10 tấn vỏ hạt. Với số lượng này, doanh nghiệp bán cho các công ty sản xuất dầu điều thu về trên dưới 10 triệu đồng. Điều này giúp doanh nghiệp không phải đốt, không thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường” - chị Hạnh nói.
Bình Phước là “thủ phủ” điều của cả nước với hơn 134.000ha. Địa phương này hiện có hơn 200 doanh nghiệp và khoảng 1.400 cơ sở chế biến hạt điều. Khi việc sản xuất nhân điều phát triển sôi động thì lượng vỏ hạt thải ra cũng rất lớn. Vỏ hạt điều trước đây là thứ bỏ đi lại phải tốn tiền, nhưng những năm qua, khi các doanh nghiệp sản xuất dầu điều ra đời đã đóng góp không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.