Kiểm soát hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng

Thứ Sáu, 16/12/2022, 09:02

Kênh bán hàng online phát triển mạnh đang thay thế dần kênh bán hàng trực tiếp, cộng với dịp Tết đang đến gần, các đối tượng đã bất chấp các thủ đoạn để đưa hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… ra thị trường để bán dịp cuối năm.

Ngày 9/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, kiểm tra cửa hàng kinh doanh thời trang tại địa chỉ 269C-269D Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh do ông N.M (SN 1991) trú tại Đồng Nai làm chủ. Hàng hóa bày bán tại đây với đa dạng chủng loại như giày, dép, túi, ví, dây lưng, quần áo, trang sức... mang nhiều thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Fendi… đều không có hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Mặc dù mang các thương hiệu nổi tiếng, nhưng hàng hóa bán tại đây có giá rẻ bèo từ 300.000 - 850.000 đồng/sản phẩm như: trang sức xi mạ có giá từ 300.000 đồng/sản phẩm, quần áo “hàng hiệu” các loại có giá từ 300.000 - 850.000 đồng/sản phẩm, giày dép 500.000 đồng/đôi, túi xách tay từ 500.000 - 600.000 đồng/sản phẩm... Cơ quan chức năng tạm giữ 246 sản phẩm “hàng hiệu” các loại với tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết hơn 104 triệu đồng.

Kiểm soát hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng -0
Lực lượng QLTT phát hiện nhiều vụ hàng giả có quy mô lớn trong thời gian gần đây.

Chiều 30/11, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Đội QLTT số 2 - Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đột xuất kiểm tra và phát hiện quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các nhãn hiệu tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Tại 4 kho chứa, phần lớn hàng hóa là dầu gội, sữa tắm các nhãn hiệu: X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder… trên bao bì ghi Thái Lan và một số nước khác sản xuất. Ngoài ra, trong kho còn có một lượng lớn các loại thuốc làm đẹp, giảm cân, kem dưỡng da với nhiều nhãn hiệu.

Tại xưởng sản xuất kế bên, lực lượng QLTT cũng phát hiện có hàng chục tấn các loại hoá chất đựng trong các thùng phuy, có chất lỏng màu trắng, dạng sệt cùng một lượng lớn tem, nhãn mác, vỏ chai nhựa các loại và các chồng thùng carton vẫn nguyên đai, nguyên kiện. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định chủ sở hữu của các kho hàng và xưởng sản xuất trên là bà H.N.H (SN 1982, tại Trà Vinh).

Tại thời điểm kiểm tra, bà H cho biết, cơ sở của bà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, bỏ mối tại các chợ và bán trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo có tên “Phạm Huỳnh”. Theo ước tính, số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lên tới vài chục tấn. Đây là kho chứa và xưởng sản xuất mỹ phẩm vi phạm lớn nhất từ trước đến nay tại TP Hồ Chí Minh mà lực lượng QLTT phát hiện, xử lý.

Không riêng lực lượng QLTT, mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng an ninh sân bay Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện Ngô Thạch Hảo (SN 1989, Long An) cùng đồng phạm vận chuyển trái phép 709 chiếc ĐTDĐ nhãn hiệu Iphone các loại (Iphone 12 Promax, Iphone 13 Promax, Iphone 14 Promax…) đã qua sử dụng từ Singapore về Việt Nam để tiêu thụ.

Bước đầu Hảo khai nhận, được thuê vận chuyển mặt hàng này từ Singapore về Việt Nam với giá 2 triệu đồng/chuyến. Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, Hảo đã xuất cảnh đi Singapore khoảng 12 lần để vận chuyển hàng về Việt Nam tiêu thụ. Qua giám định, số hàng hóa bị thu giữ có trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ngô Thạch Hảo về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.

Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, các cơ quan QLTT, Công an đã liên tục phát hiện nhiều điểm kinh doanh các mặt hàng thời trang tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Điểm chung của các mặt hàng này đều là hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, không chỉ bán trong các cửa hàng mà còn ngang nhiên bán ở các trung tâm thương mại như Sài Gòn Square, Trung tâm Thương mại – Dịch vụ An Đông... Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, các chủ kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng cũng lợi dụng đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok... bán với giá rẻ bất ngờ khiến giá cả trên thị trường online bị nhiễu loạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh đúng luật, cũng như người tiêu dùng (NTD).

Ông Trần Văn Dũng – Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ QLTT - Tổng cục QLTT nhìn nhận, những năm qua cơ quan chức năng kiểm tra xử lý rất nhiều vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... Khoảng 1, 2 năm trở lại đây, tuy  có giảm nhưng các vụ vi phạm có quy mô lớn hơn với thủ đoạn cũng tinh vi hơn. Tất cả các mặt hàng bán chạy trên thị trường thì gần như đều làm giả, phổ biến nhất là hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc. Hàng năm, vào những dịp lễ, Tết, đặc biệt những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng gian lận thương mại tăng. Còn hành vi bán hàng giả trên mạng xã hội, thời gian gần đây thì có chiều hướng tăng lên, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều hơn.

Để đấu tranh chống các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, kênh truyền thống, để bảo vệ NTD và DN sản xuất, kinh doanh, ông Trần Văn Dũng cho biết: “Từ cuối tháng 11/2022, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch cao điểm tăng cường đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trong những tháng cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết. Trong đó tập trung trên môi trường mạng”.

Ông Nguyễn An Sơn - Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công thương, khuyên NTD khi mua hàng trên môi trường trực tuyến thì nên mua ở những website hoặc ứng dụng đã được đăng ký với Bộ Công thương. Ngoài ra, NTD cũng cần chú ý, trên sàn TMĐT có 2 loại: một loại là gian hàng bình thường, còn một loại là gian hàng chính hãng. Ở gian hàng bình thường thì các sàn TMĐT chưa yêu cầu tiểu thương về các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Còn với gian hàng chính hãng thì sàn TMĐT yêu cầu đơn vị NK chính hãng, đơn vị sản xuất kinh doanh, phải có đầy đủ giấy tờ liên quan. Vì vậy, NTD cần biết để tự bảo vệ chính mình.

Thúy Hà
.
.
.