Kiểm soát an toàn thực phẩm "đổ" vào TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ chính các loại nông sản, thực phẩm tươi sống từ các tỉnh, thành lân cận đổ về. Trong đó, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống, 70% còn lại ở các chợ đầu mối và chợ truyền thống.
Trong khi đó, thực phẩm đạt các tiêu chuẩn, đạt vệ sinh an toàn (VSAT) chủ yếu vào các hệ thống phân phối hiện đại, còn lại ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống gần như chưa được kiểm soát…
TP Hồ Chí Minh tiêu thụ các mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà chủ yếu từ các vùng chăn nuôi ở tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương...; thịt vịt, trứng vịt chủ yếu ở Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang...; rau củ quả từ Lâm Đồng, Tiền Giang; gạo từ An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... Có thể khẳng định, việc tham gia vào hệ thống phân phối của TP Hồ Chí Minh đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất hàng hóa ở các địa phương, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc...
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay giữa các địa phương sản xuất để cung ứng sản phẩm cho TP Hồ Chí Minh đó là tiềm lực về vốn của nông dân, doanh nghiệp (DN), HTX sản xuất không lớn. Vì thế kéo theo những khó khăn như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ mới áp dụng chưa đồng bộ, nhiều sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của chuỗi liên kết gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Điển hình như tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 1,4 triệu tấn rau củ quả (trung bình 5.500 tấn/ngày) cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu (XK). Trong đó, tiêu thụ trong nước chiếm 87%, riêng TP Hồ Chí Minh chiếm đến 51%.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận tại địa phương chiếm tỷ lệ thấp chưa đáp ứng về sản lượng và chất lượng. Chuỗi liên kết quy mô nhỏ và chưa hình thành chuỗi theo từng vùng sản xuất tập trung. Do vậy DN chế biến, phân phối, bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau. Sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi cũng đạt chưa cao, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45%.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, vẫn còn hiện tượng vi phạm các quy định pháp luật về ATTP, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín thương hiệu rau của Đà Lạt, Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua Đồng Tháp đã và đang thực hiện xây dựng các chuỗi cung ứng gắn kết các thị trường, nhất là thị trường TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến và XK các mặt hàng rau củ và cây ăn trái của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao 10 - 20% (rau 15-20%, quả 10-15%); quy mô nhỏ, trang thiết bị, công nghệ chế biến chưa hiện đại, tỷ lệ rau quả đưa vào chế biến rất thấp (5-8%). Nguyên nhân chưa có nhà đầu tư đủ mạnh để đầu tư hệ thống nhà máy chế biến, kho vận, logistics...
Theo đánh giá của TS Trần Tiến Khai - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thị trường TP Hồ Chí Minh có 2 hệ thống phân phối chính là chợ và siêu thị. Tại chợ, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm hầu như không thể kiểm soát chặt chẽ toàn diện ở tất cả các mặt hàng. Tỷ lệ hàng có chứng nhận VietGap cực kỳ ít, gần như không có. Các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa cho các chợ ở TP Hồ Chí Minh là những nông dân ở các địa phương, hợp tác xã (HTX)... hoàn toàn không sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cũng không thể đảm bảo được quy trình an toàn XK. Ngược lại, hệ thống phân phối hiện đại thì tăng trưởng rất tốt về số lượng và quy mô, vấn đề ATTP được bảo đảm tương đối chặt chẽ, quản lý chất lượng tương đối tốt và có tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng được các tiêu chuẩn XK. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hiện đại chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, 70% còn lại ở bên ngoài chưa kiểm soát được.
“Theo thống kê của chúng tôi, người nông dân sản xuất rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGap chiếm tỷ lệ không quá 5% trong tổng diện tích sản xuất và tổng lượng hàng sản xuất tại các địa phương quanh TP Hồ Chí Minh. Hàng hóa được vận chuyển đóng gói bao bì cũng không có xe chuyên dùng hay nói cách khác suốt chặng đường vận chuyển hàng hóa về TP Hồ Chí Minh không có gì chắc chắn về vấn đề ATTP cả, cho nên dù chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh có hoạt động tốt đến đâu thì cuối cùng về đến chợ bán lẻ thì hàng hóa vẫn không đảm bảo ATTP. Tương tự với mặt hàng thịt, chỉ kiểm soát được tới chỗ giết mổ và phân phối về các chợ đầu mối, còn trước đó người nuôi ở đâu, nuôi theo tiêu chuẩn nào, quy trình nuôi, vấn đề ATTP trong quá trình nuôi như thế nào chúng ta không kiểm soát được. Đây là rủi ro, nguy cơ rất lớn”, TS Trần Tiến Khai nói.