Kích cầu và đầu tư hạ tầng trước xu hướng tăng trưởng khách du lịch
Cú hích từ đợt nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4-1/5 với lượng du khách đông nghẹt tại các tỉnh, thành trọng điểm du lịch trên cả nước cũng chưa đủ sức kéo thị trường du lịch quay trở lại như năm 2019.
Theo đại diện của STR, trừ dịp cao điểm lễ, hiện công suất thuê phòng tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn chưa bằng một nửa so với năm 2019. Tuy vậy, việc nới lỏng các hạn chế đi lại và mở cửa du lịch quốc tế đã giúp nhiều khách sạn trong các thành phố lớn cải thiện hoạt động kinh doanh. Đặc biệt tại các địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế như Đà Nẵng và Nha Trang. Tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng tại thị trường Việt Nam vẫn ở dưới mức 20%; giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 gần 20%.
Để kích cầu cho ngành du lịch, từ ngày 14-17/5, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức ngày hội du lịch thành phố 2022. Theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhằm kích cầu du lịch nội địa trong dịp hè sắp tới, nhiều tour du lịch mới tại thành phố cũng sẽ được giới thiệu tới du khách trong dịp này.
Chuyên gia Mauro Gasparotti phân tích, từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại, gồm cả các hoạt động du lịch quốc tế. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế. Do đó Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi.
Đón đầu xu hướng tăng trưởng khách du lịch, số lượng dự án khách sạn mang thương hiệu của nhà điều hành quốc tế và khu vực trên cả nước dự kiến sẽ tăng gấp 2 lần trong vòng ba năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025. Điều này có thể làm gia tăng áp lực cạnh tranh về giá tại một số điểm đến cũng như về nguồn nhân lực của ngành khách sạn trên cả nước. Cho rằng những điểm đến mới như Quy Nhơn hay Phú Yên sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm từ các chủ đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, Bà Carolina Fagnani, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn khách sạn Radisson nhận xét, cảnh quan thiên nhiên phong phú và văn hóa bản địa đặc sắc tại đây là những lợi thế lớn của các địa phương này.
Trong phát triển hạ tầng lưu trú, nghỉ dưỡng, mô hình condotel vẫn sẽ là một sản phẩm chiếm thị phần không nhỏ của ngành du lịch Việt Nam. Nếu như năm 2019 đã có 16.000 căn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng đã được mở bán trên thị trường, thì con số này đã giảm mạnh chỉ còn 4.000 căn vào năm 2021. Năm nay, thị trường dự kiến sẽ có hơn 8.000 sản phẩm được mở bán, với gần 50% nguồn cung mang thương hiệu khách sạn quốc tế và khu vực. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, người mua condotel không chỉ đơn thuần xem xét giá bán và tiềm năng tăng giá, mà còn đòi hỏi condotel phải nằm trong dự án được quản lý, điều hành bởi những thương hiệu quốc tế.