Kích cầu tiêu dùng nội địa

Thứ Hai, 25/04/2022, 08:36

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, hoạt động thương mại dịch vụ sôi động trở lại. Nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được triển khai. Các chương trình kích cầu được các các ngành chức năng và doanh nghiệp triển khai chính là cơ sở để thương mại nội địa tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ tích cực hơn do dịch COVID-19 dần được kiểm soát, sản xuất phục hồi, ngành du lịch mở cửa... giúp kích thích mua sắm, tiêu dùng. Trên thực tế, việc các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3/2022 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cục Thống kê cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa dẫn đầu là: Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Cần Thơ… với mức tăng 7,2-11,7%.

272417699_661003031916520_39235-1650850616690.jpeg
Phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu.

Tại Hà Nội, khu vực dịch vụ, thương mại khởi sắc khi thành phố cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 161.500 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 107.100 tỷ đồng, chiếm 66,3% tổng mức và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; khách sạn, nhà hàng tăng 15,4%...

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, thành phố đã ban hành chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn. Cụ thể, trong tháng 5, chương trình khuyến mại tập trung Hà Nội được tổ chức với 1.000-1.200 điểm bán hàng.

Trong tháng 7 là sự kiện khuyến mại “Hanoi Sales Promotion 2022”; tháng 11 là các sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale 2022”; “Hà Nội - Online xuống phố” gắn với ngày BlackFriday, với các hình thức khuyến mại lên tới 100%. Các chương trình khuyến mại tập trung, quy mô lớn, tạo ra những “tháng vàng” mua sắm hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng như các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, tạo chuỗi liên kết, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng thời gian qua đã hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Chuỗi liên kết, hợp tác cần tổ chức toàn diện và đồng bộ, giảm tối đa chi phí, giới thiệu sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng, đồng thời tiếp cận các thị trường mới.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp, giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.              

Trân Trân
.
.
.