Kích cầu nội địa, tạo đà tăng trưởng

Thứ Sáu, 20/10/2023, 08:41

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% cho thấy thị trường nội địa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2023. Bước vào tháng đầu tiên của quý 4/2023, cũng là giai đoạn “bứt tốc” mùa mua sắm và du lịch dịp cuối năm, các địa phương, doanh nghiệp (DN) bắt đầu chuẩn bị hàng Tết và nhiều DN, nhà bán lẻ tung ra những giải pháp kích cầu tiêu dùng nhằm tăng sức mua trên thị trường...

Sức mua trên thị trường đã phục hồi

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 ước đạt 4.567.835 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm và nhóm hàng du lịch, dịch vụ. Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng tăng 11,9%; Quảng Ninh tăng 10,9%; Đồng Nai tăng 9,9%; Bình Dương tăng 9,0%; Khánh Hòa tăng 8,7%; Cần Thơ tăng 8,2%; Đà Nẵng tăng 5,2%; TP Hà Nội tăng 4,8%; TP Hồ Chí Minh tăng 3,9%...

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, con số này khẳng định kết quả của việc triển khai các giải pháp phát triển thị trường nội địa, mở rộng mạng lưới phân phối, đẩy mạnh kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân và DN.

Kích cầu nội địa, tạo đà tăng trưởng -0
Các siêu thị đẩy mạnh khuyến mại, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, doanh thu từ bán lẻ nội địa vẫn tăng trưởng khá cho thấy thị trường nội địa tiếp tục là chỗ dựa quan trọng để duy trì mức tăng tổng cầu và tăng trưởng GDP. Do vậy, để tạo tăng trưởng đột phá hơn cho thị trường nội địa trong 3 tháng cuối năm cần dựa vào tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để tạo lực cầu mạnh, khả năng lan tỏa lớn đến các ngành sản xuất và chi tiêu của cả nền kinh tế. Cùng với đó, cần tận dụng làn sóng mua sắm dịp cuối năm để có các chương trình kích cầu tiêu dùng quy mô lớn, thúc đẩy dịch vụ du lịch nội địa và thu hút mạnh du khách quốc tế đến trong dịp này.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những tháng cuối năm, sức mua thị trường trong nước sẽ tăng cao. Theo đó, các DN cũng cần nắm vững và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước.

Tăng khuyến mãi, giảm giá sản phẩm

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn biến động, ưu tiên giữ giá cả, kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Ông Đinh Quang Khôi, Phó giám đốc Marketing MM Mega market cho biết, để kích cầu tiêu dùng, nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%. Siêu thị đã có kế hoạch dự trữ hàng hoá Tết tăng 20% so với năm ngoái.

Đại diện Hệ thống Siêu thị bán lẻ BRGMart (Công ty TNHH Bán lẻ BRG) cho rằng, hiện nhu cầu mua sắm của người dân chậm hơn mọi năm. Vì vậy, ngoài việc giữ giá bán bình ổn, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu sức mua.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là bước vào mùa cao điểm hàng hóa cuối năm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các DN phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.

Trên thực tế, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa đang được triển khai mạnh nhằm đón đầu mùa mua sắm cuối năm. Bộ Công Thương đang phối hợp với các địa phương tổ chức 17 hội chợ triển lãm cấp vùng trên toàn quốc, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền, chương trình khuyến mại tập trung quốc gia dịp cuối năm với mức giảm lên đến 100% trên nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, áp dụng với cả thương mại điện tử và thương mại truyền thống.

Tại Hà Nội, trong tháng 10 có nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm như giới thiệu sản phẩm Tây Ninh, Quảng Nam. Tháng 11, sự kiện “Tháng khuyến mại” sẽ được triển khai trên địa bàn toàn Thủ đô với đối tượng tham gia là các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.

“Trong tháng 10, Sở Công Thương Hà Nội triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hoá địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn”, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh trong quý 3/2023 đã tham mưu với thành phố tổ chức Tháng khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 DN tham gia với 7.000 chương trình giảm giá, trong đó 30% tham gia với mức giảm giá trên 50%. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia chương trình này. Đồng thời phối hợp với các DN phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.

Lưu Hiệp
.
.
.