Khi ưu đãi thuế không còn hấp dẫn để thu hút FDI

Chủ Nhật, 16/07/2023, 06:13

TP Hồ Chí Minh có lợi thế để trở thành địa điểm thu hút và dẫn dắt dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực kinh tế phía Nam. Tuy nhiên, với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ áp dụng từ đầu năm 2024, cùng với những bất cập về mặt thể chế và thực thi chính sách trong thời gian qua đang là lực cản làm giảm sức hấp dẫn để thu hút FDI...

Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây TP Hồ Chí Minh là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam. Luỹ kế từ năm 1988 đến ngày 20/6/2023, TP Hồ Chí Minh có 11.868 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 81 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước.

Khi ưu đãi thuế không còn hấp dẫn để thu hút FDI -0
Ưu đãi thuế - yếu tố hấp dẫn nhất để các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm trừ trong đầu tư FDI tại TP Hồ Chí Minh là các dự án chỉ tập trung ở một số quận, TP Thủ Đức. Các DN FDI chưa tạo ra được nhiều lan tỏa về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các DN trong nước. Số lượng DN tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều, giá trị sản xuất trong nước chưa cao, hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa được triển khai…

Nguyên nhân của tình trạng này đó là do thay đổi tư duy trong thu hút vốn FDI chưa theo kịp với yêu cầu. Thu hút FDI coi trọng về số lượng, chưa coi trọng về chất lượng. Khung pháp lý về thu hút FDI còn nhiều bất cập, hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, gây khó khăn cho các DN. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu thu hút FDI và phát triển trong tình hình mới. Các quy định pháp luật giữa đầu tư, đất đai, bất động sản còn chồng chéo đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút FDI.

Khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về môi trường đầu tư kinh doanh đối với DN trong nước và FDI cho thấy, có đến 50% số DN được hỏi cho rằng gặp trở ngại về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng, 48% DN gặp trở ngại về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, hơn 40% DN gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt…

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, các DN FDI  đề cao tính minh bạch và ổn định của cơ chế, chính sách khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Do đó, để tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư FDI, đặc biệt là FDI chất lượng cao, Việt Nam cần đổi mới trong khung pháp lý về đầu tư, cần đồng bộ giữa các luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu,… Đồng thời, phải đảm bảo tính nhất quán trong cách hiểu và thực thi giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng cùng một quy định nhưng mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu.

Từ trước đến nay, Việt Nam thu hút FDI thông qua các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Một trong những công cụ chủ lực để thu hút nhiều FDI, đó là các chính sách ưu đãi miễn giảm về thuế đối với các dự án đầu tư mới, kể cả các dự án đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Theo các chuyên gia, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách thu hút FDI và môi trường đầu tư của Việt Nam. Bởi, theo quy tắc này, mức thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng từ đầu năm 2024 sẽ là 15%, trong khi thuế suất thực tế đối với DN FDI hiện nay ở Việt Nam là 12,3%, thậm chí có một số tập đoàn lớn còn ưu đãi thuế ở mức 2,75% - 5,95%.

Thực tế đó cũng cho thấy, nếu Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư FDI bằng chính sách ưu đãi thuế như đã làm từ trước giờ sẽ không còn hấp dẫn, không còn giá trị nữa để thu hút nguồn vốn FDI. "Khi chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ năm 2024 sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư FDI. Để tiếp tục giữ vững sức hút đối với dòng vốn FDI khi không còn ưu đãi về thuế nữa thì vấn đề còn lại trong thu hút FDI chính là tập trung cải thiện môi trường đầu tư", bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC khẳng định.

Theo đó, một trong những mục tiêu trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới là đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư, nhằm tạo một môi trường pháp lý lành mạnh và trong sạch để nhà đầu tư FDI có thể yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài.

Hiện nay nhiều DN FDI đang gặp khó khăn về các vấn đề: cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy, chậm trễ trong phê duyệt các dự án... Đây là những rào cản khiến các DN FDI cân nhắc trong việc đầu tư dự án hoặc tăng vốn đầu tư mới các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, tài chính.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định, DN EU hiện nay có xu hướng đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị. Những DN đi đầu có thể đầu tư vào hạ tầng, năng lượng để mở đường cho các DN sau đầu tư vào sản xuất, thương mại. Để khai thác được ưu thế đó, TP Hồ Chí Minh cần được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại, thậm chí cả hạ tầng về giải trí. Song song đó, thành phố cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến tính minh bạch trong chính sách thuế, đơn giản hóa việc cấp giấy phép lao động... từ đó giảm thiểu rủi ro, giúp DN yên tâm rót vốn vào đầu tư.

T.Hà - H. Giang
.
.
.