“Khát” lao động có tay nghề

Thứ Hai, 02/09/2024, 07:42

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2023 chỉ có 27%, trước đó năm 2022 tỷ lệ này chỉ đạt 26%. Điều này cho thấy, đa số lao động hiện nay chưa có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp. Mặc dù hệ thống giáo dục nghề nghiệp được phủ rộng khắp với gần 700 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng và gần 900 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp nhưng chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phải thừa nhận, quy mô đào tạo tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động đang có khoảng 52,5 triệu người và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam hiện nay.

Cơ hội việc làm tốt khi học nghề    

Lao động đã qua đào tạo nghề, có kỹ năng nghề hiện nay đang rất thiếu. Cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn, vậy nhưng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hiện nay còn chiếm đa số. Một trong những bất cập rất lớn trên thị trường lao động nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa được giải. Đề cập đến tiêu chí tuyển dụng, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long Phan Quyết Long cho biết, lựa chọn lao động của công ty dựa trên các khả năng đáp ứng cơ bản của sinh viên mới ra trường, nhất là kỹ năng mềm trong nhà máy.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty sử dụng 100% lao động đã qua đào tạo. Hiện công ty đang có một số dự án phát triển mới cho năm 2025, nên trong thời gian tới, dự tính cần số lượng lao động chất lượng cao trên 500 người. “Để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, công ty không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư, mà vẫn có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn đáp ứng được yêu cầu. Để chủ động nguồn lao động này, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề đồng hành với sinh viên từ những ngày đầu, đến khi tốt nghiệp”, ông Long cho biết.

Doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường đào tạo thực hành 2 năm trong nhà máy, tham gia vào tất cả các chuỗi hoạt động. Ngoài ra, sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ bởi các chuyên gia tại công ty và được hưởng lương trong quá trình thực tập. Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể được nhận vào làm việc ngay.

“Khát” lao động có tay nghề -0
Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay vẫn ở mức thấp.

Một tỷ lệ lớn sinh viên nhiều trường cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay theo đúng ngành nghề đào tạo là khẳng định của TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Theo TS Phạm Xuân Khánh, thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề không thấp, đặc biệt là những sinh viên có tay nghề trong những ngành đang “khát” nhân lực hiện nay như: công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử... đều dễ dàng tìm được việc làm và có mức thu nhập từ khá trở lên. Trong khi đó, thị trường lao động hiện nay đang thực sự thiếu lao động có kỹ năng nghề”, TS Phạm Xuân Khánh chia sẻ.

Hàng loạt hạn chế

Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị chỉ đạt 40,8%, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn còn thấp hơn rất nhiều với chỉ 16,6%. Nguyên nhân là do hạn chế cơ cấu ngành nghề đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học theo từng vùng miền, địa phương. Quy mô đào tạo chất lượng cao còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao. Cùng với đó, đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều đối tượng yếu thế mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, tỷ lệ lao động học nghề hiện nay thấp là do tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp hơn kỹ năng nghề nghiệp. Nhận thức của nhiều cấp uỷ, chính quyền, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đầy đủ; chưa coi đó là yếu tố cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động.

“Tuy nhiên, cũng còn có nguyên nhân hạn chế từ chính hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các chính sách liên quan tới người học, người dạy, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia, người lao động… chậm đổi mới. Một số chính sách quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa được triển khai hiệu quả như: chính sách hướng nghiệp, phân luồng; chính sách phổ cập nghề cho thanh niên; chính sách ưu tiên ngân sách... Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, chồng chéo và trùng lặp ngành nghề đào tạo, chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở một số vùng, địa phương…”, ông Dũng cho hay.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để giải quyết các hạn chế, tồn tại này, thời gian tới sẽ nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đủ mạnh, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền. Sắp xếp, chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành chủ quản về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý; nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp nhất là nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, sẽ có cơ chế để khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp. Hình thành các trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Đi cùng với đó còn là các giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp.

Phan Hoạt
.
.
.