Khắc phục những điểm yếu trong xuất khẩu gạo, rau quả

Thứ Năm, 30/05/2024, 09:05

Xuất khẩu (XK) ngành hàng nông sản thời gian qua đã khởi sắc, đạt kết quả tích cực, song bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, yếu kém về vùng trồng, chất lượng chưa đồng đều, liên kết doanh nghiệp (DN). Do đó, để khắc phục những khó khăn này cần có các giải pháp đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác và tăng liên kết cho DN.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đến ngày 20/5, kim ngạch XK rau quả Việt Nam đạt 2,49 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng cao, Trung Quốc đứng đầu 1,156 triệu USD, Hàn Quốc 107 triệu USD. Từ số liệu XK rau quả 4 tháng, thông qua xúc tiến thương mại tại châu Âu, Mỹ và tình hình các DN, dự báo hoạt động XK mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài. Tuy nhiên, theo ông Bình, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự thiếu đồng đều của sản phẩm, tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán.

xk (3).jpg -0
Nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam.

Về mặt hàng gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, dự báo, XK gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Nam cũng nêu một số vấn đề tồn tại, như việc DN nợ tiền lúa nông dân, hay việc DN XK gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đồng thời đề nghị Liên bộ và Hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, trong số 157 đầu mối XK gạo, chỉ 70 DN thuộc hiệp hội, nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy, chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định rằng, dù có nhiều kết quả tích cực, song hoạt động XK gạo và rau quả của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Cụ thể, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và DN chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm XK còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu; một số DN chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; nhiều DN chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Ở khâu sản xuất, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, với việc diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch (sầu riêng...), Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch...; tăng cường hoạt động thanh, tra kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói XK theo các yêu cầu Nghị định thư đã ký; không ngừng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chuẩn hóa các quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với Bộ NN&PTNT về tình hình sản xuất, XK gạo và rau quả 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK những tháng cuối năm 2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của DN. Nhìn thẳng vào sự yếu kém trong khâu hợp tác, liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng, khi đi hội chợ quốc tế, các bạn Trung Quốc trưng bày là cả một không gian, nhưng với Việt Nam, có những DN vẫn thuê riêng một góc ngoài chứ không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi và chỉ khi DN, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác, khi đó, mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.

Được biết, thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của DN, người sản xuất, tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh XK gạo của các DN, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu gạo và rau quả nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Lưu Hiệp
.
.
.