Hóa giải thách thức thuế tối thiểu toàn cầu để thu hút vốn đầu tư

Thứ Ba, 02/05/2023, 09:14

Bắt đầu từ năm 2024, cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được thực thi ở nhiều quốc gia. Điều này đặt Việt Nam trước cơ hội và thách thức đan xen. Vậy, cách nào để hóa giải những thách thức, tiếp tục tìm cơ hội giữ chân doanh nghiệp FDI và thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Cơ hội, thách thức đan xen

Thuế suất tối thiểu toàn cầu là sáng kiến của Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết theo chính sách này, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở các quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần "thiếu hụt" còn lại so với mức thuế 15% cho quốc gia khác, bao gồm cả nơi họ có trụ sở chính.

thuế thuế.jpg -0
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để "đối phó" với thuế tối thiểu toàn cầu.

Xét theo góc độ tích cực, chính sách thuế này được đánh giá là giúp tăng thu thuế cho quốc gia. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra các thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Với Việt Nam, hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài gồm những chính sách phổ biến là ưu đãi thời gian miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm đối với dự án đầu tư mới; miễn thuế 2 năm, giảm 4 năm đối với dự án đầu tư mở rộng.

Một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi thuế trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. Điều này đồng nghĩa với khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác hoặc nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực và tính hấp dẫn chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp.

Dẫn số liệu cho biết theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đến nay Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. "Nhìn chung, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài. Các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn..., dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế", ông Minh phân tích.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Từ phía doanh nghiệp, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam nhận định các chính sách Chính phủ ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tính quyết định đến năng lực cạnh tranh của các công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Thậm chí có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp đa quốc gia phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất đầu tư của mình do năng lực cạnh tranh tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút đầu tư mới và môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

"Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp không nộp thuế ở Việt Nam thì phải nộp thuế ở quốc gia khác. Cho nên vấn đề Chính phủ Việt Nam quan ngại không phải là rủi ro khiếu kiện bởi các nhà đầu tư áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung lên 15%, mà là rủi ro về sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh tại Việt Nam bị giảm sút", ông Choi Joo Ho nói.

Như vậy, khi áp thuế suất tối thiểu toàn cầu, không chỉ Việt Nam ảnh hưởng mà nó sẽ là kiểu "khi lụt sẽ ngập cả làng", nên vấn đề quan trọng đó sẽ là nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo TS. Phan Đức Hiếu, Việt Nam không có cách nào khác, cả về trước mắt và dài hạn muốn thu hút đầu tư phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh đã có thì nay phải thực thi quyết liệt hơn cả về mức độ và phạm vi. Đồng thời, phải nhanh hơn nữa, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế này…

Phân tích sâu hơn, TS Cấn Văn Lực đưa ra bảy kiến nghị, trong đó đề nghị Chính phủ sớm có phương án đề xuất chính sách thuế, giải pháp phù hợp, nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, và quan trọng hơn là, cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh - đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.

Bên cạnh đó, để bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp đối với 2 nhóm nhà đầu tư. Đối với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có thể có hỗ trợ về tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân... Đối với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI… Ngoài ra, Việt Nam cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp qui định pháp luật liên quan, như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật ngân sách, Luật đầu tư, Luật thuế giá trị gia tăng…

Cùng quan điểm, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, trong đó trọng tâm là hoàn thiện và thực thi thể chế; hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh Chính phủ điện tử, Chính phủ số…

Hà An
.
.
.