Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Thừa Thiên Huế
Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND (gọi tắt Nghị quyết số 05) của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2023, đến nay nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã được "hồi sinh", thu hút lượng lớn du khách đến tham quan.
Vào những ngày đầu tháng 11/2023, làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm các dịch vụ du lịch độc đáo tại đây. Nhiều du khách khi trở lại làng cổ Phước Tích đã không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên trước sự "hồi sinh" kỳ diệu của ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi này.
Dẫn đoàn khách hơn 10 người đến tham quan làng cổ Phước Tích, anh Nguyễn Văn Sang (ở TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, cách đây 5 năm, anh có dịp ghé đến đây nhưng hồi đó trong làng chỉ có một vài nhà cổ tham gia đón khách tham quan; nay thì nhiều ngôi nhà cổ được trùng tu rất đẹp, đường sá từ cổng làng đi vào với hàng cây xanh cổ thụ phủ bóng mát khiến du khách có cảm giác thân thuộc, yêu thương.
"Đặc biệt khi đến đây, chúng tôi đã được chủ những ngôi nhà rường cổ đón tiếp nồng hậu, được trải nghiệm những món ăn dân dã và tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống do chính bàn tay người dân địa phương làm ra. Và chắc chắn trong tương lai gần, chúng tôi sẽ còn nhiều lần trở lại ngôi làng cổ Phước Tích tuyệt đẹp này", anh Sang bày tỏ.
Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích cho biết, Phước Tích hiện có 26 nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi cùng nhiều công trình kiến trúc truyền thống đặc trưng của các nhà thờ họ tộc. Các ngôi nhà cổ ba gian hai chái cùng với không gian của vườn cây xanh mát đã tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan.
Tại làng cổ Phước Tích, UBND huyện Phong Điền còn thường xuyên tổ chức ngày hội "Hương xưa làng cổ" với nhiều hoạt động đặc sắc như diễu hành và biểu diễn múa Thiên hạ thái bình, hát múa sắc bùa, múa cầu mùa bội thu, diễu hành áo dài truyền thống. Tại ngày hội còn có phiên chợ quê tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực đến với du khách, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống. Đến với làng cổ Phước Tích, du khách còn được tham quan các tour du lịch trải nghiệm nhà rường cổ cùng làng nghề truyền thống bằng thuyền máy và xe đạp, đi thuyền và sup trên sông Ô Lâu vào ngắm cảnh hồ sen Hà Trì.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, nhờ thực hiện Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nên thời gian qua, làng cổ Phước Tích và một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đã được các cơ quan quan tâm, hỗ trợ kinh phí để phát triển du lịch. Chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển các tour tuyến, sản phẩm du lịch cộng đồng theo định hướng xanh, bền vững để đưa các điểm du lịch trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ năm 2019 đến nay, đã có 9/9 địa phương của tỉnh đăng ký nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết số 05 với tổng kinh phí hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó vốn hạ tầng hơn 15,5 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 4,7 tỷ đồng. Trong năm 2023, trên cơ sở đề xuất, tham mưu của các Sở, ban ngành, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục 9 điểm du lịch được hỗ trợ về chính sách phát triển du lịch cộng đồng với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng.
Cụ thể, điểm du lịch cộng đồng tại: Xã Hương Xuân, huyện Nam Đông được hỗ trợ 111 triệu đồng; các xã Hồng Kim, Hồng Hạ, Trung Sơn và Lâm Đớt, huyện A Lưới 560 triệu đồng; các xã Phú Diên, Phú Xuân, Phú An, huyện Phú Vang 126 triệu đồng; xã Vinh Hưng và thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc 270 triệu đồng; các xã Bình Tiến, Hương Toàn, thị xã Hương Trà 220 triệu đồng; làng cổ Phước Tích và các xã Điền Hải, Điền Lộc, huyện Phong Điền được hỗ trợ 315 triệu đồng…
Theo đánh giá, Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai đã hỗ trợ phát triển những điểm du lịch cộng đồng thực sự có tiềm năng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế và xây dựng được thương hiệu cho du lịch cộng đồng của mỗi địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Nhiều địa phương đã hình thành nên thương hiệu du lịch cộng đồng và thu hút nhiều luợt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thống kê của cơ quan chức năng, lượng du khách đến tham quan tại các điểm du lịch cộng đồng ở huyện Nam Đông đạt 15.000 lượt khách/năm, khách lưu trú hơn 5.000 lượt, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm; huyện Phong Điền thu hút khoảng 120.000 lượt khách/năm, doanh thu hơn 20 tỷ đồng/năm; khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại TP Huế ước đạt khoảng 1,81 triệu lượt khách/năm, doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.800 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 05 đã tạo sự khích lệ cho người dân trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Song hoạt động kinh doanh du lịch của các hộ dân vẫn còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tạo nên sản phẩm thường kỳ mà chỉ dừng lại khai thác khi có khách đến tham quan, trải nghiệm. Người dân chưa thực sự tham gia cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp để hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng, để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Cơ sở dữ liệu theo dõi khách tham quan, doanh thu lưu trú từ các hoạt động dịch vụ tại các hộ dân chưa được hình thành. Do đó chưa thể đánh giá toàn diện hiệu quả của chính sách trong việc hỗ trợ khai thác phát triển du lịch của các địa phương. "Vì thế thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục với các cơ quan ban ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp để phát triển, khai thác có hiệu quả các điểm du lịch cộng đồng, phục vụ du khách đến tham quan", ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định.