Hiệp định RCEP giúp Việt Nam giảm rủi ro “lạc nhịp”
Khu vực châu Á đang phục hồi tương đối nhanh, RCEP có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Việt Nam hoà nhịp vào xu hướng phục hồi của khu vực, hội nhập tốt hơn, gia tăng xuất khẩu, tránh được sự gia tăng lạm phát.
Tại hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề “Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 19/4/2022, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: Khu vực châu Á đang phục hồi tương đối nhanh, RCEP có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Việt Nam hoà nhịp vào xu hướng phục hồi của khu vực, hội nhập tốt hơn, gia tăng xuất khẩu, tránh được sự gia tăng lạm phát.
Mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand có hiệu lực từ đầu năm 2022 mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam hậu COVID-19, hạn chế ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do xung đột Nga - Ukraina tác động. Theo các chuyên gia, RCEP là một trong những hiệp định thương mại quan trọng, sân chơi không chỉ cho các doanh nghiệp (DN) lớn mà cả các DN nhỏ và vừa cũng có cơ hội phát triển nếu biết tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định này.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới, bao gồm các đối tác hàng đầu về đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam. RCEP sẽ có tác động mạnh tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của DN Việt Nam. Đây là thị trường lớn với 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP và quan trọng nhất là thị trường được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch.
Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại thế hệ mới (là CPTPP và EVFTA) với những cam kết và ràng buộc cao hơn so với RCEP. Vì vậy về lý thuyết, nếu chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết thì Việt Nam sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh và nhiều lợi thế khi thực hiện các FTA thế hệ mới và cả RCEP.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, Việt Nam không thay đổi các cam kết đã ký. Không thay đổi chính sách, mở cửa đầu tư với những cam kết đã ký. Đây được xem như là nam châm để thu hút FDI. Hiện, đang có 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đều nằm trong nội khối RCEP. Đặc biệt, với Hiệp định RCEP, DN Việt có thêm 1 con đường xuất khẩu vào một thị trường rộng lớn trong khu vực. Thị trường nội khối RCEP để tiếp cận thì cũng rất thuận lợi đối với DN Việt.
“RCEP là một thị trường đa dạng về khách hàng, đây là cơ hội cho những DN ở tầm vừa, tầm trung cũng có thể tận dụng được. Điều đó cho thấy, cùng với các FTA đang có, RCEP mở ra cơ hội cho DN nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường trong khu vực và vươn mình ra thế giới”, bà Trang nhấn mạnh.
Doanh nghiệp phải sẵn sàng với những thách thức mới
Mặc dù được đánh giá là nhiều cơ hội, nhưng theo ông Nguyễn Anh Dương, hiệp định RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại, như vấn đề nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng, khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP…
Trong khi đó, DN Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi ứng phó với các rào cản, quy định mới. Nhiều DN chưa chủ động tìm hiểu thị trường và quy định của các thị trường RCEP. “Cơ hội đi liền với thách thức, muốn có cơ hội từ FTA thì DN phải lăn mình vào sân chơi, tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường. Nhiều DN không có thói quen bài bản, không tìm hiểu các quy định, đến khi quy định ban hành và thực hiện rồi thì DN mới “ngã ngửa” tìm cách đáp ứng thì đã lỡ mất cơ hội”, ông Dương cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho rằng, RCEP thúc ép chúng ta phải có những thay đổi để tận dụng được cơ hội về thuế quan thì các thủ tục sẽ phải thuận lợi hơn, với sức ép và thách thức từ RCEP lại là động lực. Bên cạnh đem đến nhiều cơ hội lớn, RCEP là một hiệp định mới cũng mang tới những thách thức đối với DN và nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Do đó, DN sẽ phải thay đổi nhanh hơn và đầy đủ hơn chứ không phải với một tầm nhìn ngắn hạn như trước đó để phát triển bền vững.
Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận ra rằng, hiện nay họ không phải kinh doanh với một thị trường mà kinh doanh với thế giới. Những thị trường tưởng dễ tính đã không còn dễ tính, DN sẽ phải sẵn sàng với những thách thức mới. Đồng thời cần cải cách môi trường kinh doanh để làm sao giải phóng hiệu quả nhất và có ý nghĩa thực chất nhất để tăng năng lực cạnh tranh của các DN trong nước, bởi những cạnh tranh từ đối tác RCEP sẽ mạnh hơn nhiều không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã chia sẻ cụ thể về Quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP - Thông tư 05/2022/TT- BCT có hiệu lực từ ngày 4/4/2022. Theo bà Hương, để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định RCEP, DN cần nắm chắc về nguyên tắc xuất xứ trong hiệp định. Quy tắc xuất xứ trong RCEP được “nới lỏng” hơn so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Cụ thể là RCEP cho phép hàng hóa như hàng dệt may, thủy sản xuất khẩu được nhập nguyên liệu từ các quốc gia ngoài RCEP.
Đang xây dựng dự thảo Nghị định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi
Bà Nguyễn Thu Hằng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, lộ trình xóa bỏ thuế và cắt giảm thuế khá dài đến 15-20 năm. Theo đó, các nước đối tác xóa bỏ thuế cho Việt Nam với khoảng 87,8% - 98,3% số dòng thuế. Các nước ASEAN xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam với khoảng 85,9% -100% số dòng thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành.
Điểm khác biệt giữa RCEP với các FTA (quy định biểu thuế chung cho các thành viên tham gia) là cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN và các đối tác được quy định cụ thể biểu thuế cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand. Theo lộ trình cam kết trong RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN ở mức 90,3%; Úc và New Zealand là 89,6%; Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7%, Trung Quốc là 85,6%...
Cùng với việc hoàn thiện Nghị định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ soạn thảo quy định điều kiện được hưởng ưu đãi, điều kiện hưởng ưu đãi xuất xứ cho các thành viên, điều khoản thi thành. Có điều khoản hướng dẫn hồi tố với các tờ khai hải quan thực hiện từ ngày 1/1/2022.