Hàng không sắp hết thời vé 0 đồng
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320 nghìn đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340 nghìn đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500 - 850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440 nghìn đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850km - dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560 nghìn đồng và 2,79 triệu đồng. Cuối cùng, với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750 nghìn đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng. Với khung giá mới này thì sẽ không còn giá vé máy bay 0 đồng.
Lý giải về đề xuất này, Cục Hàng không cho biết: Giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019.
Đây là nguyên nhân chính căn bản trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Cũng từ đây, các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên máy bay tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được Cục Hàng không Việt Nam khẳng định là “chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”. Đề xuất này được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Do chính sách mang tính chất giải quyết tình huống nên trước mắt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2022.
Lý giải thêm về thời hạn này, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi sớm hơn thị trường hàng không quốc tế và việc phục hồi hoàn toàn trong năm 2023 là khả thi.
Theo một chuyên gia hàng không, các nước phát triển không quy định khung giá vé máy bay như Việt Nam. Nguyên tắc quản lý giá của họ là hậu kiểm, không kiểm soát hằng ngày. Nhưng khi phát sinh đơn kiện liên quan đến một trong ba nội dung dưới đây thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xử lý.
Thứ nhất là hãng hàng không sử dụng vị thế lớn, độc quyền về mặt thị trường của mình để chèn ép, tiêu diệt đối thủ; thứ hai là dùng vị thế độc quyền bán để bán giá quá cao hoặc quá thấp hay không; thứ ba là có sử dụng các hỗ trợ của Nhà nước để bán phá giá, chèn ép công ty khác. Theo chuyên gia, về nguyên tắc, hành khách được tiếp cận giá rẻ phụ thuộc vào chính sách, giá thành của từng hãng theo từng chuyến bay, đường bay, mạng bay để kinh doanh.
Nhưng nếu thấy hãng hàng không A bán giá rẻ quá, thấp hơn giá thành nhờ tận dụng những nguồn lực khác như ngân hàng, bất động sản thì hãng hàng không B có thể khởi kiện theo Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, các hãng hàng không cần sự đồng thuận vì nếu để thị trường bán giá vé máy bay dưới giá thành, cạnh tranh trong nước khốc liệt quá sẽ là không cần thiết vì dẫn đến sức cạnh tranh chung của cả ngành hàng không Việt Nam ngày càng yếu đi.
Yêu cầu đánh giá tác động của chính sách áp sàn giá vé máy bay
Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam chiều 7/9 về việc hoàn thiện hồ sơ dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến này 31/10/2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam bổ sung bảng tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản cũng như phương án giá của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Bộ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu bổ sung trong Hồ sơ trình dự thảo Thông tư phương pháp xác định mức giá tối thiểu của khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/2/2014 của Bộ Tài chính; số liệu chứng minh phương án đề xuất thể hiện được sát với thực tế mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp (người tiêu dùng, các hãng hàng không, quyền lợi của Nhà nước). Đáng lưu ý, Cục Hàng không Việt Nam cần phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động điều chỉnh khung giá đến chỉ số giá tiêu dùng CPI. Toàn bộ hồ sơ trên phải được trình Bộ GTVT trước ngày 23/9/2021.