Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại

Thứ Năm, 08/08/2024, 07:40

Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của DN Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, với nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua, DN XK của Việt Nam nói chung và XK sang Hoa Kỳ nói riêng cũng đã phần nào nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề phòng vệ thương mại (PVTM) và cũng đã được trang bị một số kiến thức cần thiết khi vướng phải các vụ kiện. Đồng thời, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các DN XK, hỗ trợ DN trong các vụ kiện PVTM nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng DN Việt Nam. Kim ngạch XK của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động từ xu hướng tiêu dùng, nhập khẩu, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ.

thep-chat-luong-cao-hoa-phat-20231121140628.jpeg -0
Hoa Kỳ là quốc gia điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.

Theo ông Hưng, mặc dù Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng điều này đã trở nên quen thuộc với các DN XK lâu năm sang Hoa Kỳ khi vướng các vụ kiện. Có thể dẫn chứng vụ kiện chống bán phá giá cá tra, tôm của Việt Nam thời gian qua, dù đã trải qua 20 năm áp thuế, các DN Việt Nam đã xử lý rất tốt và hiệu quả đóng góp lớn vào kim ngạch XK giữa hai nước. Dù vậy, đi cùng sự phát triển kim ngạch thương mại, hiện nay hàng hóa XK của Việt Nam sang thị trường này đang gặp rất nhiều rào cản, điển hình là các biện pháp PVTM thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn tránh các biện pháp thuế PVTM cũng như chuyền tải hàng hoá.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp PVTM nhất với hàng hóa XK Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với Việt Nam (chiếm 25%). Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, theo Cục Phòng vệ thương mại, do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, khiến mức thuế chống bán phá giá tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, XK của ta.

Hiện, danh sách các nước thay thế cho Việt Nam được Hoa Kỳ cập nhật dựa trên 2 tiêu chí: Có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam; có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra. Nếu có nhiều hơn một quốc gia đáp ứng cả hai yêu cầu trên thì Hoa Kỳ có thể lựa chọn một quốc gia duy nhất có dữ liệu sẵn có và chất lượng nhất. Danh sách mới nhất cập nhật tháng 8/2023 gồm 6 nước: Indonesia, Jordan, Ai Cập, Philippines, Morocco, Sri Lanka.

Theo quy định mới về điều tra PVTM chính thức có hiệu lực từ ngày 24/4/2024 của Hoa Kỳ, khi lựa chọn nước thay thế để tính toán biên độ chống bán phá giá cho các nền kinh tế phi thị trường (trong đó có Việt Nam), Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ loại trừ, không lựa chọn các quốc gia trợ cấp XK rộng rãi/có trợ cấp hoặc bị áp thuế chống bán phá giá liên quan đến giá trị thay thế/không thực thi và có cơ chế thực thi yếu, không hiệu quả các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, lao động, môi trường do giá trị thay thế, ngưỡng chuẩn hay chi phí sản xuất tại các quốc gia này có khả năng bị bóp méo hoặc không phù hợp với nguyên tắc thị trường…

Trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển không tương đương. Ngoài ra, quy định này cũng cho phép trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường không phải là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra. Điều này có thể dẫn tới việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam hoặc không có tính đại diện để so sánh, làm gia tăng giá trị thay thế, đẩy biên độ phá giá lên cao hơn.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, theo quy định của Hoa Kỳ, các bên liên quan có quyền gửi bình luận về việc lựa chọn nước và giá trị thay thế trong vòng thời hạn 30 ngày trước khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc (trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra - có thể gia hạn). Các bên cũng có thể đề xuất nước thay thế không nằm trong danh sách trên để Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét. Đây là cơ hội để các DN bị điều tra đề xuất nước và nguồn dữ liệu thay thế phù hợp với chi phí sản xuất của mình. Trên thực tế, nhiều DN XK cá tra - basa, tôm nước ấm, lốp xe… của ta đã sử dụng quyền này để đề xuất lựa chọn nước thay thế phù hợp và qua đó được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%...

Do đó, để có kết quả tốt nhất, các DN XK Việt Nam khi bị Hoa Kỳ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM cần lưu ý: Chủ động xây dựng đề xuất nước thay thế (trong hay ngoài danh sách của Bộ Thương mại Hoa Kỳ) và nguồn dữ liệu thay thế phù hợp cho từng hạng mục chi phí ngay khi có thông tin về vụ việc. Ngoài ra, DN có thể chủ động liên hệ và tham khảo thông tin từ các hiệp hội, DN trong ngành, các hiệp hội nước ngoài hoặc quốc tế liên quan đến sản phẩm bị điều tra, nhà nhập khẩu; tham khảo kinh nghiệm của các hiệp hội, DN có mức thuế thấp để tìm kiếm, xác định nước và nguồn dữ liệu thay thế công khai, phù hợp với các tiêu chí của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, phù hợp với giai đoạn điều tra; xây dựng bản lập luận và gửi đề xuất nước và giá trị thay thế đúng thời gian quy định; hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc.

Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng lưu ý, các DN XK của Việt Nam cần xác định nguy cơ bị kiện PVTM sẽ luôn hiện hữu cùng với gia tăng XK và cần chủ động trong kế hoạch ứng phó. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA với các đối tác thương mại lớn, do vậy, các DN trong nước có thể tận dụng cơ hội đa dạng hóa thị trường XK, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu để tránh vướng các quy định nhập của Hoa Kỳ nói riêng và các nước thành viên WTO nói chung, không chỉ trong lĩnh vực PVTM.

Phan Đức
.
.
.