Hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy tăng 93%

Chủ Nhật, 25/06/2023, 08:00

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường (TP Hồ Chí Minh) đã kiểm tra 1.805 vụ (tăng 86,65% so với cùng kỳ năm trước). Số tiền thu nộp ngân sách đối với các hành vi vi phạm đạt hơn 37 tỷ đồng (tăng 150,46% so với cùng kỳ năm trước), hàng hóa buộc phải tiêu hủy có trị giá hơn 30,6 tỷ đồng (tăng 93% so với cùng kỳ năm trước). 

Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 102 tỷ đồng. Tất cả những con số trên đều vượt rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tình trạng hàng giả, hàng cấm, hàng lậu... vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy tăng 93% -0
Ảnh minh họa.

Gần đây nhất, ngày 22/6, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an phường 2, quận 3, kiểm tra Hộ kinh doanh giày dép  (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3) tạm giữ 426 đôi giày, dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Crocs đang được bảo hộ tại Việt Nam. Trị giá số hàng này hơn 133 triệu đồng. Theo đại diện Hộ kinh doanh, số hàng này mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ.

Ngày 21/6, Đội QLTT số 9 phối hợp với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra cửa hàng V.S (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức), do ông L.H.H. là chủ kinh doanh, chưa đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Đoàn phát hiện và tạm giữ 135 sản phẩm máy hút tinh dầu và phụ kiện (thuốc lá điện tử) không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngày 20/6, Đội QLTT số 17, đồng loạt kiểm tra 3 điểm kinh doanh trên địa bàn quận Bình Thạnh gồm: Công ty TNHH C.S.S.Đ., đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7; hộ kinh doanh P.K ở đường Bùi Đình Túy, phường 26 và hộ kinh doanh N.T.K.C, ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 15. Đội QLTT đã tạm giữ toàn bộ 2.340 sản phẩm gồm mỹ phẩm và quần áo may sẵn không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nơi sản xuất, không có nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, kiểm tra 3 nhà thuốc tân dược trên địa bàn quận 5 và quận 11, Đội QLTT số 2 cũng đã phát hiện, tạm giữ 7.739 đơn vị sản phẩm gồm tân dược và thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu PROGRAF, TOPAMAX, ACTICARBINE, RODOGYL, BETASERC, ZYLORIC, DOGMATIL, ADVAGRAF, GAVISCON, PAINCERIN, MOZOLY, EQUORAL. Tổng giá trị số tân dược và thực phẩm chức năng vi phạm hơn 107 triệu đồng.

Trong số vụ vi phạm mà các Đội QLTT TP Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý nhiều nhất, đó là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với 545 vụ có tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 20,1 tỷ đồng. Tiếp đến là hàng giả 439 vụ với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 4,8 tỷ đồng. Hàng giả bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện chủ yếu là tại các trung tâm thương mại, các  tuyến đường phố… với các hành vi vi phạm phổ biến nhất là hàng giả mạo nhãn hiệu, giả mạo bao bì.

Riêng hàng nhập lậu, mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện ít hơn, với 408 vụ và chủ yếu hàng lậu bị phát hiện tại các điểm kinh doanh. Tuy nhiên, tổng trị giá hàng hóa vi phạm nhiều nhất, ước tính số tiền lên đến hơn 22 tỷ đồng. Tập trung nhất là các mặt hàng: Thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điện tử, kiểm tra 52 vụ với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 3,7 tỷ đồng. Đặc biết với mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng như thực phẩm,  kiểm tra 306 vụ thì phát hiện có đến 196 vụ vi phạm. Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, cũng có đến 219 vụ vi phạm...

Trong 6 tháng cuối năm, dự báo hoạt động buôn lậu và sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng,… đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang y tế, tân dược, lương thực, thực phẩm có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và các trang mạng xã hội như facebook, zalo,… phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa.

Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tập trung kiểm soát kỹ tình hình giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, găm hàng, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Đồng thời, triển khai có hiệu quả kế hoạch về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT. 

T.Hà
.
.
.