Hàng hoá ùn tắc ở cửa khẩu, lúng túng giải pháp khơi thông
Từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc liên tục diễn ra. Cơ quan chức năng của Việt Nam nỗ lực đàm phán với cơ quan chức năng nước bạn để tìm giải pháp. Song song với đó, các địa phương cần nỗ lực tham gia để giải quyết tình trạng này.
Nỗ lực đàm phán với cơ quan hữu quan Trung Quốc
Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Lượng nông sản vốn được xuất qua 76 cửa khẩu, lối mở giờ dồn hết về 9 nơi, trong khi năng lực thông quan tại mỗi cửa khẩu chỉ hạn chế ở mức nhất định mà hàng hóa vẫn tiếp tục được chuyển lên. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng ùn tắc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng thông quan hàng hóa ngay khi lưu thông được, kể cả ngoài giờ hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh.
Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do các cửa khẩu biên giới Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp dẫn đến nhiều cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa chỉ hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động được.
Để thúc đẩy thuận lợi hàng hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, phía Việt Nam kiến nghị cơ quan Hải quan Trung Quốc nghiên cứu thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã có đủ lực lượng chức năng, đặc biệt các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới. Đối với kiến nghị Việt Nam mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, việc này là biện pháp lâu dài, các tỉnh biên giới sẽ nghiên cứu, quy hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai.
Trước mắt, để xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu thì cần sự phối hợp của các địa phương phía Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai các giải pháp thúc đẩy thông quan, thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa; bố trí đủ phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp và thống nhất các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch tại các khu vực cửa khẩu để triển khai “vùng đệm”, “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Cần sự nỗ lực, chủ động của địa phương
Ở góc nhìn khác, trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới, các địa phương nắm giữ vai trò điều hành “sát sườn” rất quan trọng. Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu, vai trò này bao gồm trực tiếp trao đổi, đàm phán với phía bạn Trung Quốc và thường xuyên thông tin lại cho trong nước; điều hành hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, cả về hàng hóa, phương tiện và nhân lực vận chuyển.
Khi Trung Quốc siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát an toàn dịch bệnh đối với hàng hóa, bên cạnh trao đổi cấp cao hai nước, lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu chính là những nhà ngoại giao cần thiết nhất vào thời điểm này. Việc thường xuyên trao đổi thông tin giữa hai bên không chỉ để thông báo quy trình, thủ tục, thậm chí là đóng mở cửa khẩu mà còn để cùng nhau “đi tới cùng”, tìm ra một biện pháp chung giải quyết hạn chế đang tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thông quan. Nâng cao chiều sâu cho công tác trao đổi thông tin và đàm phán là cực kỳ cần thiết.
Đơn cử, múi giờ Việt Nam và Trung Quốc chênh nhau 1 giờ đồng hồ (GMT+7 và GMT+8), dẫn đến thời gian bắt đầu thông quan, thời gian nghỉ trưa, thời gian kết thúc công việc… đều có sự chênh lệch với nhau. Trong bối cảnh lượng xe hàng ùn tắc đang lớn, cần tăng cường ca kíp với cơ chế thay người linh hoạt để vừa đảm bảo sức khỏe của lực lượng chức năng mà vẫn tối đa hóa thời gian thông quan phục vụ thương lái, doanh nghiệp.
Mặt khác, một trong những bài học được rút ra là vấn đề quy hoạch bến bãi, phân luồng thông quan. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hoa quả, nông sản tươi; ngoài ra có các sản phẩm đã chế biến (đồ khô) và linh kiện, sản phẩm chế tạo. Trong đó, riêng trái cây tươi xuất sang quốc gia này chiếm đến 70% tổng giá trị trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.
Thời hạn bảo quản của các mặt hàng là khác nhau, do đó cần có cơ chế rà soát, phân loại hàng hóa (đặc biệt là các mặt hàng dễ hư hỏng như hoa quả tươi, hàng đông lạnh), hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện bảo quản hàng hóa; thực hiện sắp xếp kho bãi, phân luồng xe hàng theo hướng ưu tiên thông quan sản phẩm tươi sống trước, sau đó đến hàng khô và máy móc thiết bị, cuối cùng là các xe rỗng chờ nhập khẩu hàng về. Tất nhiên, để làm được điều này thì hạn chế về hạ tầng cửa khẩu và năng lực bến bãi là thực tế cần được giải quyết trước.
Theo tỉnh Lạng Sơn, trong bối cảnh số lượng xe tăng hơn hai lần so với mức cao điểm các năm trước, toàn bộ bến bãi (kể cả các bãi được trưng dụng tạm thời) đều đã quá tải. Dù vậy, tỉnh cũng đang nỗ lực hỗ trợ giảm phí sử dụng hạ tầng, giảm giá sử dụng dịch vụ tại các cửa khẩu; đồng thời điều trị miễn phí cho gần 400 lái xe đường dài bị nhiễm COVID-19 và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ tối đa các điều kiện sinh hoạt cho lái xe thông qua huy động các nguồn lực xã hội.
Tại Móng Cái (Quảng Ninh), 3 khu vực với sức chứa 6.000 phương tiện và 6 kho lạnh với sức chứa 770 container hàng hóa đã được bố trí. Các doanh nghiệp có hàng hóa chờ thông quan được hướng dẫn chuyển vào kho lạnh để giải phóng đầu container, đồng thời lực lượng chức năng cũng sẵn sàng phương án xử lý khi hàng hóa có nguy cơ hư hỏng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu hủy hàng hỏng.
Trong thời gian tới, rất cần sự chung tay hơn nữa của các địa phương có vùng nuôi, vùng trồng để kịp thời theo dõi, phổ biến đến doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn về tình hình hàng hóa ở cửa khẩu và phối hợp điều tiết nhịp độ hàng hóa sao cho hợp lý. Riêng với nông sản, chuyển hướng tiêu thụ một phần tại thị trường nội địa là giải pháp đã được thực hiện nhưng nên được đẩy mạnh thêm.
Để giải quyết “bài toán” ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, về căn cơ, dài hạn cần mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics; cần có những trung tâm logistics, kho lạnh, kho mát để bảo quản được các sản phẩm nông sản với thời gian lâu hơn. Ngoài ra, cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua.