Hãng bay lỗ lớn vì nhiên liệu tăng cao

Thứ Tư, 29/06/2022, 08:15

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dù lượng hành khách đường hàng không tăng mạnh hậu COVID-19, các hãng bay của Việt Nam vẫn chịu khoản lỗ lớn do biến động giá nhiên liệu.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dù lượng hành khách đường hàng không tăng mạnh hậu COVID-19, các hãng bay của Việt Nam vẫn chịu khoản lỗ lớn do biến động giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho hay, trong 6 tháng cuối năm sẽ khởi công hàng loạt dự án lớn.

Hãng bay lỗ lớn vì nhiên liệu tăng cao -0
Hàng không tăng mạnh các chặng bay nội địa.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hai quý đầu năm, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động tại các cảng hàng không đã nhộn nhịp trở lại. Cụ thể, 6 tháng qua, sản lượng chuyến bay tại các cảng hàng không Việt Nam đạt 205.000 chuyến. Trong đó, bay quá cảnh đạt khoảng 66.700 chuyến, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 43,4 triệu khách, tăng 65,5%. Riêng sản lượng khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt khoảng 21,4 triệu hành khách, tăng 62,4%. Trong đó, sản lượng khách nội địa là 20,8 triệu khách, tăng 57,3%.

Mặc dù thị trường ghi nhận sự khởi sắc, song lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam vẫn bày tỏ sự lo lắng khi việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm hiện vẫn gặp khó khăn. Trong đó, thị trường số 1 của hàng không Việt Nam là Hàn Quốc vẫn bị khống chế chuyến bay ở số lượng thấp, điều kiện nhập cảnh phức tạp. Thị trường Trung Quốc hiện chỉ được tăng thêm 1 chuyến/tuần, lên 2 chuyến/tuần do Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID.

Các thị trường khác như: Đài Loan, Nhật Bản đang trong quá trình từng bước mở cửa. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là 1 trong 9 thị trường phục hồi thị trường nội địa tốt và nhanh nhất thế giới. Nhưng tốc độ phục hồi đường bay quốc tế lại không được như kỳ vọng. Thống kê cho thấy, số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,4 triệu lượt khách. Con số này chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cục trưởng Cục Hàng không cho hay, dù đã khôi phục được nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền nhưng do giá xăng, dầu tăng phi mã trong suốt thời gian qua, doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí, ước tính, các hãng vẫn lỗ gần 100 tỷ/tháng. Vị lãnh đạo này kiến nghị Bộ GTVT xem xét, kiến nghị Chính phủ giảm thuế môi trường, xăng dầu hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng; từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới. Lãnh đạo Vietnam Airlines bày tỏ, nếu giá nhiên liệu vẫn giữ ở mức 150 - 156 USD/thùng đến cuối năm 2022, chi phí phát sinh cho nhiên liệu, Vietnam Airlines dự kiến là khoảng 8.000 tỷ đồng…

Thông tin tại hội nghị, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT) cho biết, theo kế hoạch, năm 2022 sẽ khởi công 38 dự án và hoàn thành 30 dự án. Trong đó, 6 tháng đầu năm, 6 dự án đã được hoàn thành thủ tục khởi công và 6 dự án được hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra. Như vậy, 6 tháng cuối năm, 32 dự án sẽ phải hoàn thành các thủ tục để khởi công và 24 dự án có kế hoạch phải hoàn thành.

“Riêng đối với 32 dự án dự kiến khởi công trong 6 tháng cuối năm, tính đến hết tháng 6/2022 đã hoàn chỉnh các thủ tục đủ điều kiện phê duyệt 25/32 dự án (bao gồm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam). 7 dự án còn lại chưa phê duyệt dự án đầu tư, gồm: Dự án đường tránh phía Đông TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án QL6 tuyến tránh TP Hòa Bình; QL2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT đề nghị các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung chỉ đạo quyết liệt tư vấn thiết kế tăng cường nhân sự tiến hành khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; đẩy nhanh các thủ tục để phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng... để trình phê duyệt dự án trong tháng 7/2022, đảm bảo được kế hoạch khởi công trong năm 2022.

Các dự án có tổng mức đầu tư vượt so với chủ trương đầu tư, cần khẩn trương chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu điều chỉnh phạm vi, quy mô dự án, phương án phân kỳ đầu tư hoặc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương... báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư, song song với việc trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.

Đặng Nhật
.
.
.