Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP

Thứ Ba, 28/11/2023, 08:06

Việc thực thi hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong hơn 5 năm qua đã giúp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu (XK), nhưng cũng khiến cho doanh nghiệp (DN) của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại gia tăng

Tại tọa đàm "Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi gia tăng XK sang thị trường CPTPP" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/11, ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan thì kim ngạch XK các mặt hàng sang khối CPTPP đã ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, điều này khẳng định nhu cầu cũng như dư địa thị trường cho hàng hóa XK Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng công cụ PVTM đang gia tăng tại các nước thành viên CPTPP. Các vụ việc điều tra PVTM không chỉ nhiều hơn về số lượng mà còn phức tạp hơn về quy mô và đa dạng hơn về mặt hàng. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho DN XK của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dần bước sang giai đoạn thực thi mới.

Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP -0
Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại.

Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, đối với những nước có FTA nói chung và CPTPP nói riêng, số lượng các vụ việc PVTM tăng một cách nhanh chóng. Lý do là khi DN có được lợi thế, có động lực tăng trưởng từ CPTPP nói riêng và FTA nói chung thì sẽ nâng cao giá trị XK của Việt Nam sang rất nhiều thị trường mới. Do hàng hóa của chúng ta được ưa chuộng và có tính cạnh tranh cao nên tạo sức ép đối với ngành sản xuất nội địa của những nước nhập khẩu. Từ đó, ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu mong muốn rằng Chính phủ của nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, phổ biến nhất là các biện pháp về PVTM, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Ngoài những nước lần đầu tiên tham gia FTA với Việt Nam như Canada hay Chile và Peru thì đã có rất nhiều thành viên CPTPP điều tra biện pháp PVTM đối với Việt Nam, có thể kể đến như Australia hay Malaysia. Theo đó, Australia đã điều tra tới 18 vụ việc PVTM đối với Việt Nam, tương đương với Canada, Malaysia cũng đã trên 10 vụ việc; Mexico có 3 vụ việc mới và đều phát sinh sau khi ký CPTPP. Như vậy, xu hướng này là tất yếu và không thể tránh khỏi. Khi XK, DN đã tham gia cuộc chơi toàn cầu và phải chấp nhận rằng sẽ phải đối mặt với những rào cản PVTM trong tương lai. Số lượng các vụ việc điều tra của các nước thành viên CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 có sự gia tăng so với giai đoạn trước đó, cho thấy mức độ chủ động và năng lực điều tra PVTM của các thành viên CPTPP đang ngày càng nâng cao. Số vụ việc mà các đối tác trong CPTPP khởi xướng điều tra với Việt Nam chiếm trên 20% tổng số vụ việc PVTM khởi xướng bởi các nước thành viên WTO đối với Việt Nam cho đến nay. Về mặt hàng, những mặt hàng dễ dàng bị tổn thương nhất, dễ bị điều tra nhất chính là những mặt hàng tăng trưởng nhanh, mạnh.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, những mặt hàng như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thép, nhôm, dệt may, hóa chất... sẽ là những sản phẩm truyền thống và có nguy cơ tiếp tục bị kiện PVTM trong tương lai, ngay cả trong CPTPP và các FTA khác nói chung. Ở góc độ ngành hàng, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, DN ngành nhôm tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, các DN cũng bị nhiều rủi ro đến từ các thị trường đó, đặc trưng là các biện pháp PVTM.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục có các cảnh báo về nguy cơ bị khởi kiện PVTM, chống lẩn tránh thuế với hàng hóa XK của Việt Nam tại các thị trường trong khối CPTPP. Trong danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp (cập nhật đến tháng 6/2023), thép hình cán nóng XK sang Australia đã lần đầu tiên được đưa vào danh sách, cho thấy nguy cơ PVTM đang gia tăng tại thị trường này.

Doanh nghiệp cần chủ động trong xử lý, ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại

Theo ông Phùng Gia Đức, với việc tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, sự gia tăng XK nhanh, mạnh của Việt Nam đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh đối với DN trên địa bàn sở tại. Do đó, CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho DN và kinh tế Việt Nam nhưng cũng mang tới những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng PVTM. Các vụ kiện trong tương lai sẽ còn tăng nữa, và tăng rất nhanh. Vì thế, DN cần phải thường xuyên cập nhật các vấn đề liên quan đến thay đổi pháp luật của thị trường nước ngoài.

Theo ông Đức có một điểm đáng lưu ý là thông tin, sự phản ứng sớm là rất cần thiết. Thực tế, khó khăn nhất là nhận thức của DN khi mà tham gia sân chơi chung toàn cầu. Bởi, "khi mà vụ việc diễn ra, rất nhiều DN đến với chúng tôi khi mà lô hàng đã XK đến nước nhập khẩu và đã bị áp thuế PVTM thì lúc đó thì không có cơ quan nào có thể giúp đỡ được. Mức thuế có thể nói một từ như "hủy diệt" 1000% chẳng hạn thì làm gì có DN nào chịu nổi. Do đó nhận thức của DN thực sự quan trọng trong lĩnh vực PVTM", ông Đức nói.

Ông Vũ Văn Phụ cũng thừa nhận, nhận thức của các DN ngành nhôm đến thời điểm này về rủi ro PVTM không đồng đều. Khi các DN XK thì họ chủ yếu quan tâm đến nhu cầu của thị trường, mức thuế xuất nhập khẩu và về giá cả của hàng hóa mà rất ít quan tâm đến việc rủi ro PVTM, chỉ khi đến các vụ việc liên quan thì các DN mới bắt đầu đi tìm hiểu các thông tin thông qua các hiệp hội, luật sư hoặc là các đối tác của mình và khi đó thì họ ứng phó một cách tương đối bị động trong rủi ro PVTM này.

Theo ông Phụ, DN cần có chuẩn bị chủ động, tích cực khi đối diện với các vụ việc, đặc biệt chúng tôi khuyến cáo các DN không nên cạnh tranh về giá vì đây là một điều rủi ro rất lớn khi bị điều tra về PVTM. Các DN phải giữ liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng và Cục bảo vệ thương mại và đặc biệt là các thông tin từ Trung tâm cảnh báo sớm, thông tin càng sớm thì DN càng có lợi thế hơn rất nhiều.

Để hạn chế rủi ro, ông Phùng Gia Đức cho rằng, các DN sản xuất, XK Việt Nam cần nâng cao nhận thức về PVTM, đồng thời, cần dành nguồn nhân lực, vật lực để nghiên cứu về pháp luật PVTM của thị trường XK để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM. Ngoài ra, cần tăng cường phổ biến thông tin, cảnh báo sớm về nguy cơ để giúp DN tránh được những rủi ro bị điều tra hoặc hạn chế tối đa tác động của việc bị điều tra PVTM qua đó tăng trưởng XK bền vững hơn, tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP trong bối cảnh mới.

"Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ DN Việt Nam nhưng cũng kiên quyết phòng trừ đối với các DN lẩn tránh các biện pháp PVTM thông qua việc nhập khẩu hoặc lẩn tránh xuất xứ bất hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín của DN và hàng hoá Việt Nam XK", ông Đức nhấn mạnh.

Phan Đức
.
.
.