Hà Nội: Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thứ Bảy, 27/08/2022, 22:00

Ngày 27/8, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội, cho biết đã kịp thời phát hiện nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển thực phẩm là bánh kẹo Trung thu do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, xất xứ, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Nội: Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ -0
Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra tại địa chỉ số 97, tổ 2 khu Xuân Hà (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ), phát hiện nhiều bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điển hình, ngày 26/8, tại khu vực thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tổ công tác Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh, vận chuyển hàng hóa là thực phẩm, trên bao bì in tiếng nước ngoài nhưng chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, tại địa chỉ tại số 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh do bà Ngô Thị Vân Anh (sinh năm 1985, ở tổ 4 Tân Bình, thị trấn Xuân Mai) làm chủ, lực lượng chức năng đã phát hiện có 1.057 xúc xích, 354 cái bánh trung thu, 20 hộp bánh Fares.

Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt. Chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày, cũng tại khu vực trước cửa số nhà 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, tổ công tác tiếp tục phát hiện xe ô tô BKS: 30F-938.XX đang dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa là bánh Trung thu có bao bì in chữ nước ngoài.

Hà Nội: Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ -0
Trên bao bì, vỏ các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện có 351 hộp bánh Trung thu (2.808 chiếc bánh) trên bao bì in chữ nước ngoài. Chủ hàng, kiêm lái xe là ông Đoàn Đức Trọng (sinh năm 1995, ở khu Tân Xuân, thị trấn Xuân Mai) cũng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa trên.

Trước đó, sáng 24/8, tổ công tác Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với Đội QLTT số 13 kiểm tra điểm tập kết bánh Trung thu tại ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ sở hữu toàn bộ số hàng trên được xác định là Nguyễn Thị Bích N (SN 1993, quê Quảng Ninh). Chị N cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất rất lớn nên N đã thu mua các loại bánh Trung thu trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Hà Nội: Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ -0
Ngày 24/8, lực lượng liên ngành kiểm tra thu giữ hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc của Nguyễn Thị Bích N tại ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Trung tá Nguyễn Đăng Hải, Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết, vào dịp Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng bánh Trung thu của nhân dân tăng cao, nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh Trung thu và nguyên liệu sản xuất bánh có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài trôi nổi trên thị trường để về bán kiếm lời. Đây là những thực phẩm trên không được kiểm soát chất lượng, nên có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dịp này, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những đối tượng vi phạm để góp phần đảm bảo quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho nhân dân đón Tết Trung thu an toàn.

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân hãy sử dụng những hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm soát và công bố chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, người dân không nên tìm mua những hàng hóa không nhãn mác hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, nếu người dân phát hiện thấy đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm thì kịp thời báo cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quang Trường
.
.
.