Hà Nội nguồn cung thực phẩm ổn định, không còn cảnh chen lấn, xếp hàng
Sáng 7/9, ngày thứ 2 bão số 3 đổ bộ các địa phương, lượng hàng hoá tại chợ, siêu thị vẫn dồi dào, giá cả ổn định, hoạt động mua bán giảm nhiều so với chiều hôm qua.
Hàng hoá đáp ứng nhu cầu người dân
Ghi nhận tại Hà Nội sáng 7/9 cho thấy, các cửa hàng dịch vụ, hàng quán ăn uống vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Tại các chợ dân sinh, hàng hóa thiết yếu, rau xanh, thực phẩm tươi sống dồi dào. Nguồn cung tương đối đảm bảo nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.
Tại một số chợ ở khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Mỹ Đình (Hà Nội) các quầy hàng rau xanh, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thuỷ hải sản vẫn mở cửa bán hàng bình thường. Chị Linh Nga ở Mỹ Đình cho biết:“ Tranh thủ sáng sớm trời chưa mưa tôi ra chợ Mỹ Đình thì hàng hoá, rau xanh, thịt, cá được bán rất nhiều, giá cả vẫn như những ngày trước. Tuy nhiên, người mua thưa vắng hơn.”
Chị Thu Trang (Thanh Xuân) cho biết, vào lúc 9h ở chợ dân sinh Thanh Xuân Bắc một số quầy hàng thịt lợn hết sớm, nhưng nhiều hàng vẫn còn; cá biển, cá nước ngọt, tôm bán nhiều; cá bạc má giá như ngày thường 55.000đ/1kg. Hàng hoá từ thực phẩm tới rau xanh đều phong phú, giá cả ổn định, người mua cũng không đông như hôm qua.
Anh Nguyễn Dương (tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Cổng- Hà Đông) cho biết, thịt lợn sáng nay vẫn bán rất đắt hàng, mưa bão nhưng giá vẫn giữ ổn định. Người dân tranh thủ trời chưa mưa đi chợ sớm nên hàng bán chạy, hết nhanh. Tại các siêu thị, hàng tiêu dùng thiết yếu cũng đã được bổ sung đầy đủ, trái ngược với hiện tượng hết hàng cục bộ ngày hôm qua (6/9). Việc mua sắm diễn ra bình thường, khách hàng vắng hơn so với ngày thường do ảnh hưởng của mưa bão và nhiều hộ gia đình đã chuẩn bị sẵn đồ ăn từ trước đó.
Trao đổi với PV Báo CAND, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc BRG mart cho biết, sáng 7/9, hàng hoá tại các siêu thị đã đầy kệ, đầy đủ các loại hàng hoá, thực phẩm thiết yếu, rau xanh nhưng sức mua giảm mạnh. Tại một số cửa hàng, siêu thị ở khu chung cư thì dân cư ở đó còn xuống mua sắm bình thường, còn cửa hàng, siêu thị tại các tuyến phố thì khách hàng lác đác ra mua thực phẩm, rau xanh. Hôm nay, mưa bão nên người dân không ra đường. Duy nhất ngày hôm qua (6/9) sức mua tăng 2,5 lần so với ngày thường. Riêng tại Hải Phòng, hệ thống BRG mart ghi nhận sức mua tăng gấp 5 lần ngày thường, đến ngày hôm nay thì dân ở trong nhà.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết, hàng hoá tại siêu thị dồi dào, nhưng sức mua kém, do người dân đã mua từ hôm trước và mưa bão người dân không ra đường. Khách hàng tới chủ yếu là cư dân ở các chung cư gần siêu thị.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám Đốc Chuỗi WinMart cũng cho biết, trong ngày 6/9 và buổi sáng 7/9, các siêu thị WinMart cùng cửa hàng WinMart+/WiN tại khu vực phía Bắc đã ghi nhận sức mua tăng mạnh, với lượng khách hàng tại các điểm bán tăng hơn gấp đôi và số lượng đơn hàng online tăng gần gấp ba so với ngày thường. Khách hàng chủ yếu tập trung mua các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, gạo, mì ăn liền, …và các nhu yếu phẩm khác. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao, WinMart/WinMart+/WiN đã chủ động dự trữ nguồn hàng thiết yếu, đồng thời làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để duy trì nguồn cung ổn định và cam kết bình ổn giá, không tăng giá trong thời gian diễn ra bão.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội thông tin, trong bất kỳ tình huống nào thì hệ thống siêu thị và chợ truyền thống luôn đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, sẵn sàng cung ứng cho người dân khi cơn bão số 3 đổ bộ, ngành Công Thương Hà Nội yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối… tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu nên hiện nguồn hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, giá cả ổn định vì vậy người dân không cần quá lo lắng việc thiếu lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác bình ổn giá cả cũng được Sở Công Thương yêu cầu các kênh phân phối nghiêm túc triển khai.
Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cũng liên tục vào cuộc kiểm tra việc cung ứng và giá cả hàng hoá nên không lo ngại việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, công tác bình ổn giá cả cũng được Sở Công Thương yêu cầu các kênh phân phối nghiêm túc triển khai.
Người dân không cần tích trữ quá nhiều
Theo báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, sáng ngày 7/9/2024, tại các địa phương, các siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống vẫn tiếp mở hàng kinh doanh, hoạt động mua bán diễn ra đã giảm nhiều so với cuối giờ chiều ngày hôm qua.
Các siêu thị đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào ngay tại thời điểm tối muộn ngày 6/9. Trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định do các nhà cung cấp lớn và nhà cung cấp địa phương giao hàng từ tối ngày 6/9 và sáng sớm ngày 7/9 tiếp tục giao bổ sung.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau củ tại chợ nhìn chung tăng nhẹ, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thuỷ sản vẫn giữ giá ổn định so với ngày thường. Nguồn cung tương đối đảm bảo nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.
Tại các siêu thị tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão vẫn mở cửa liên tục, hàng hóa thực phẩm tương đối nhiều. Theo ghi nhận thông tin nhanh từ hệ thống các siêu thị lớn tại Hải Phòng, Quang Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn tính đến 9h sáng ngày hôm nay các hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thịt lợn, thịt gà, ... đầy ắp trên các quầy kệ. Nhiều người dân đã tranh thủ đi mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ tối ngày 6/9/2024, tuy nhiên sáng ngày 7/9/2024 do bắt đầu mưa và ngày nghỉ nên người dân ngại không ra đường do đó sức mua không nhiều.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024, trong đó đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung trong bất cứ tình huống nào.
Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phướng án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Ngay trong chiều 6/9, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã kịp thời đến một số kênh phân phối lớn để kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.
Quá trình kiểm tra, cộng với báo cáo nhanh của một số kênh phân phối lớn và Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...) cho thấy, các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai.
Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.
Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương).
Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.
“Hiện nay, hàng hoá được doanh nghiệp các địa phương chuẩn bị đảm bảo phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão, do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hoá so với nhu cầu trong vài ngày sắp tới”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong chiều ngày 7/9/2024, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở hàng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm do mưa, bão ngày càng lớn, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu.
Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo.