Hạ nhiệt giá vàng bằng cách nào?
Những tưởng giá sẽ giảm sau mấy phiên đấu thầu, giá vàng SJC lại lên một đỉnh mới. Chênh lệch với giá vàng quốc tế cũng vì thế bị kéo giãn tới 18 triệu đồng/lượng. Chuyên gia kiến nghị, thay vì đấu thầu thì nên cho nhập khẩu vàng để hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng quay đầu khi có lệnh thanh tra
Sau nhiều ngày leo dốc, giá vàng phiên cuối tuần đã quay đầu giảm. Cụ thể, cuối ngày thứ 6, 10/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 90,1- 92,4 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Chỉ trong vòng 2 ngày, giá vàng miếng tăng gần 6 triệu đồng/lượng. Sang ngày thứ 7, vàng miếng SJC có giá bán tại 91,3 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng so với giá chốt phiên trước.
Vàng miếng quay đầu giảm mạnh trong bối cảnh Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện ngay việc thanh tra đối với thị trường vàng. Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua và diễn biến thị trường trong nước, quốc tế để theo thẩm quyền xem xét thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra.
“Khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Thực tế, thời gian qua, trong khi giá vàng thế giới và vàng nhẫn tròn trơn liên tục đi ngang, thì giá vàng miếng SJC đã liên tục lập những đỉnh mới, đặc biệt là sau khi NHNN chào thầu 5 phiên và tổ chức được 2 phiên đấu thầu. Kết quả đấu thầu cho thấy giá vàng SJC trúng thầu rất cao - 81,3 triệu đồng/lượng và 86,05 triệu đồng/lượng.
Các mức giá này luôn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 15 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp trúng thầu đã thu được khoản lợi nhuận rất lớn khi chỉ trong hơn 3 tuần kể từ phiên đấu thầu thành công ngày 23/4 đến nay, giá vàng SJC đã tăng hơn 10 triệu đồng/lượng; còn nếu tính từ phiên 8/5, mức tăng cũng hơn 6,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng cao kéo theo giao dịch cũng trở nên sôi động. Theo ghi nhận của PV Báo CAND, dù là vào ngày nghỉ, nhưng chiều thứ bảy ngày 11/5, một số cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) vẫn nhộn nhịp khách đến hỏi giao dịch vàng. Để giảm tải tình trạng phải xếp hàng, cửa hàng Bảo Tín Minh Châu đã cho nhân viên đứng đợi sẵn ở cửa, nếu khách đến bán hoặc mua vàng SJC thì cho vào, còn nếu khách đến mua vàng nhẫn thì thông báo luôn là không có hàng để bán. Ngay cả khi khách yêu cầu trả tiền trước, viết giấy hẹn lấy vàng sau cũng bị từ chối.
“Tình trạng khan hiếm vàng nhẫn tròn trơn đã diễn ra nhiều ngày nay rồi. Suốt cả tuần qua, tôi nhiều lần ra cửa hàng vàng gần chỗ tôi ở là khu Linh Đàm, nhưng đều không có nhẫn tròn trơn để mua. Hôm nay tranh thủ ngày nghỉ, tôi chấp nhận đi xa cả 10 cây số, lên “ổ” vàng mà vẫn không có hàng để mua. Không hiểu tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ”, anh Nguyễn Huy – một khách mua vàng than thở.
Theo các cửa hàng vàng, tình trạng “cháy” vàng nhẫn tròn trơn đã diễn ra nhiều ngày nay. Thậm chí cả vàng miếng SJC cũng khan hiếm. Trong buổi sáng 10/5, nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy… đã không còn vàng miếng SJC để bán cho khách. Trong khi đó, với vàng nhẫn, cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông hạn chế khách mua 1 lượng/ngày. Nếu vượt quá số lượng này, cửa hàng viết giấy hẹn sau 1 tuần lấy vàng. Các chuyên gia cho rằng, nếu NHNN không can thiệp kịp thời, giá vàng miếng SJC có khả năng lên 100 triệu đồng/lượng!?
Nên cho nhập khẩu vàng?
Việc giá vàng tăng cao kéo theo “đám đông” mua vàng cho thấy nỗ lực tổ chức đấu thầu để tăng cung và kéo giá vàng về sát giá thế giới đã không đạt được mục tiêu. Một số chuyên gia còn cho rằng, việc người dân kéo nhau đi mua vàng sẽ không tốt cho nền kinh tế, khi một lượng lớn tiền thay vì chảy vào sản xuất kinh doanh lại đổ vào tích trữ vàng. Vì thế, chuyên gia cho rằng cần cân nhắc lại việc đấu thầu vàng.
“Đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan về Việt Nam rất nhanh”, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Theo chuyên gia này, không nên lo lắng về tỷ giá. Bởi lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn chảy vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng cao khuyến khích nhập lậu vàng. Theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, nếu nhập khẩu tốn hết khoảng 3 tỷ USD - một con số không quá lớn. Chưa kể, cho phép xuất nhập khẩu chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn như vậy gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. Ông Hùng cho rằng, không có lý do gì vẫn giữ độc quyền vàng miếng SJC. Chỉ cần xóa bỏ độc quyền, giá vàng miếng sẽ lập tức hạ 10 triệu đồng/lượng.
Tương tự, nhiều chuyên gia đều thống nhất cần phải sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng miếng càng nhanh càng tốt. NHNN nên coi vàng là một hàng hóa thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và quản lý bằng thuế thay vì độc quyền. Việc xóa bỏ độc quyền sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng, người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa.