Giảm sàn thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu: CPI sẽ giảm tương ứng 0,16%
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Đặc biệt, việc giảm thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ có tác động tốt đối với các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp có sử dụng đầu vào là xăng dầu như ngành vận tải, ngành hàng không...
Theo tính toán, hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% - 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; từ 35% - 40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Với kinh tế vĩ mô, tác động của việc giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu đến chỉ số CPI phản ánh thông qua mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Với giả định giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm tương ứng 500 đồng/lít đến 1.000 đồng/lít như các mức giảm thuế BVMT theo đề xuất của Bộ Tài chính và giữ ổn định trong các tháng còn lại của năm 2022, trường hợp nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2022, thì ước tác động của giải pháp giảm thuế BVMT sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%.