Giải quyết đầu ra nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long
Hằng năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu cho cả nước.
Cần Thơ có vai trò trung tâm về kinh tế, thương mại dịch vụ, logistics của cả vùng ĐBSCL. Hằng năm, Cần Thơ đóng góp khoảng 1,47% GDP cả nước, khoảng 3,24% GRDP của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và khoảng 9,45% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt hơn 74 triệu đồng, cao hơn so với GDP bình quân cả nước và trong tốp đầu vùng ĐBSCL. Kết quả trên, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP Cần Thơ trong mối liên kết vùng.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ, nông nghiệp là thế mạnh của vùng nhưng nhiều rủi ro, ít nhà đầu tư. Còn công nghiệp chế biến là lợi thế của vùng, rất dễ kêu gọi đầu tư nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng...
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, vùng ĐBSCL có quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt 970.000 tỷ đồng, chiếm 11,95% GDP cả nước. Dù có nhiều lợi thế, ngành nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp. Nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu. Biến đối khí hậu vẫn còn tác động đến toàn vùng… Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, trong đó quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm).
Việc hình thành Trung tâm tại TP Cần Thơ với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Theo ông Trần Việt Trường, Trung tâm sẽ tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của vùng, như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế; logistics; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; sự đóng góp quan trọng vào việc tạo ra thế và lực để TP Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mekong, đây là một hướng đi mới cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng cần có giải pháp thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL, trong đó cần đầu tư xây dựng nền tảng kết nối thương mại theo mô hình “Mua bán – Vận chuyển – Thanh toán” để hỗ trợ hiệu quả các bên tham gia gồm: cơ quan quản lý nhà nước, người mua, người bán và các doanh nghiệp hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho biết, Trung tâm sẽ có 2 khu với tổng diện tích 250 hecta. Trong đó, khu 1 quy mô 50 hecta tại tại quận Bình Thủy (giáp đường Võ Văn Kiệt, giáp khu đất dự kiến quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ) có các chức năng văn phòng, quản lý, dịch vụ, tiếp vận hậu cần (logistics), hội chợ triển lãm, kiểm dịch… Khu 2 có diện tích 200 hecta tại huyện Cờ Đỏ, với chức năng là trung tâm công nghiệp nông nghiệp, khu sản xuất, chế biến…
Ngoài ra, Trung tâm có mối liên kết có tính hệ thống với các trung tâm khác trong vùng theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT và với các trung tâm dịch vụ logistics, cảng biển tại Cần Thơ. Trung tâm dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới.