Giải pháp phát triển nông nghiệp TP Hồ Chí Minh
Do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nên đất sản xuất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố phải chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học... Đây chính là “chìa khóa” để giải bài toán diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp ở TP Hồ Chí Minh cũng như các đô thị lớn.
Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2021 các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của thành phố như: rau, hoa, cây kiểng, heo, bò, tôm, cá cảnh… đạt gần 12.445 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,6% so tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố xuất khẩu khoảng 157 tấn hạt giống, 3.416 tấm da cá sấu, hơn 14 triệu con cá cảnh… với thu nhập hàng chục triệu USD.
Đặc biệt, cá cảnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, châu Á với kim ngạch hơn 15 triệu USD, đây là sản phẩm tiềm năng và có lợi thế mạnh của ngành Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, bên cạnh đó việc 5 huyện rục rịch lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh, khiến quỹ đất sản xuất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp, không còn đủ để canh tác.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp so với những ngành khác không cao và quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị teo dần, đó là 2 thách thức lớn nhất đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Theo ông Phú, trong giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố mất khoảng 700ha đất nông nghiệp; giai đoạn 2015-2020, mỗi năm thành phố mất khoảng 1.100ha đất nông nghiệp; dự kiến từ nay đến năm 2030, mỗi năm mất khoảng 1.500ha và khi đó, thành phố chỉ còn khoảng 50.000ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị teo dần, thì việc chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, đã trở thành giải pháp thiết thực cho ngành Nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú cũng dẫn chứng một số mô hình canh tác rất hiệu quả ở một số nước. Ví dụ, mô hình canh tác theo hướng đứng (nhà tầng) ở Dubai, đã giúp tiết kiệm phần lớn diện tích, tiết kiệm đến 95% nước và việc canh tác cũng không cần ánh sáng mặt trời, chỉ cần ánh sáng nhân tạo.
Với phương thức này, chỉ với 3ha đã cung cấp 11.000 tấn rau/năm. Hoặc mô hình chăn nuôi lợn với nhà cao tầng ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, với diện tích khoảng 40ha nhưng có thể cung cấp ra thị trường 600.000 con /năm, gấp gần 4 lần sản lượng hiện tại của TP Hồ Chí Minh. Ông Phú nhấn mạnh, nếu canh tác ứng dụng khoa học công nghệ cao thì diện tích không còn là trở ngại.
Trong tất cả các lĩnh vực đầu tư thì nông nghiệp cần phải đầu tư nhiều nhưng cũng gánh chịu không ít rủi ro, giá trị sản xuất, hiệu quả thấp. Chưa kể, quỹ đất nông nghiệp của TP ngày càng bị thu hẹp và không ổn định về lâu dài là thách thức lớn cho các DN đầu tư sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn để phát triển ngành Nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, mặc dù có nhiều chính sách nhưng chính sách đặc thù nổi trội nhất của TP Hồ Chí Minh vẫn là chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay). Phải nói chính sách này vô cùng hiệu quả, sau 10 năm thực hiện đã có hơn 24.000 người vay, trong đó đối tượng đứng tên chủ sở hữu là DN, HTX và tổ hợp tác chiếm 36%, ngân sách thành phố hỗ trợ trên 670 tỷ đồng cho vay.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, DN đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng các sở ngành, quận huyện xây dựng quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022- 2025, trong đó bổ sung, nâng mức hỗ trợ nông dân tham gia và trở thành thành viên HTX theo định hướng khuyến khích nông dân tham gia HTX, dự kiến mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất; nâng mức hỗ trợ các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố, dự kiến mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất.