Giải pháp nào giải quyết căn cơ ùn tắc nông sản?

Thứ Bảy, 05/03/2022, 07:33

Chiều 4/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?".

Cho đến thời điểm này, tình trạng hàng nông sản ách tắc tại các cửa khẩu vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là các xe chở hàng vẫn ùn ùn kéo lên biên giới trong khi các cửa khẩu hoạt động cầm chừng. Giải quyết căn cơ câu chuyện ùn tắc chính là việc làm sao để hàng nông sản không chỉ phụ thuộc vào một thị trường lớn là Trung Quốc, cũng như phải đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu hàng tươi để tăng thời gian bảo quản.

Tình trạng ùn tắc sẽ vẫn tiếp diễn

Mở đầu tọa đàm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước đây, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều. Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ ở thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng cục Hải quan, các cơ quan Trung ương và địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực, và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

 “Đến sáng 4/2, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3. Chúng tôi dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ”, bà Hà cho biết.

Giải pháp nào giải quyết căn cơ ùn tắc nông sản?  -0
Hàng trăm xe chở nông sản đang ùn tắc tại cửa khẩu.

Bà Hà chia sẻ thêm: “Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ. Chúng tôi cố gắng trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động.Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.Với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn”.

Theo bà Hà, "vùng xanh" để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đã được thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan. Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu, tuy nhiên hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau nên tình trạng ùn tắc sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Không thể mãi lệ thuộc vào một thị trường

Đánh giá tình hình, Bộ trưởng Bộ Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nhìn lại cách đây 3, 4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dù không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch COVID-19.

 “Đến khi xảy ra câu chuyện, lại nháo nhào tìm nguyên nhân, đặt ra câu hỏi: Tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn, không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu thô, sao không chuẩn hoá chất lượng, làm ăn chính ngạch, sao không đầu tư phát triển logistics?... Đó là những câu hỏi 3-5 năm trước, nhưng chúng ta "hay quên" vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn chỉ rõ.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cách làm kinh tế của chúng ta vẫn "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu. Ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi người nông dân tự làm.Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu ha, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn.Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường. Quan hệ thương nhân 2 bên vừa qua cũng là vấn đề, hoàn toàn phụ thuộc vào biến động thị trường…

“Chúng ta cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro… Đây là dịp cả Bộ NN&PTNT với trách nhiệm quản lý nhà nước ngành nông sản, Bộ Công Thương và Hiệp hội ngành hàng rau củ quả cùng ngồi lại để giải mã, đặt từng câu hỏi, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu Thủ tướng là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các Hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Nêu giải pháp để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói, về lâu dài, cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn. Hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên, muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu hơn nội địa Trung Quốc. Đề xuất lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn… “Cách làm như hiện nay đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt lấy, không đạt trả về thì tốn kém, mất chủ động giao hàng. Nên cần có các khu trung chuyển đa năng là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay”, ông Chinh bày tỏ quan điểm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, trong tuần sau, ông đã lên lịch chủ trì các công việc, để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

 “Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc. Chúng ta cũng sẽ tách bạch ra các công việc: việc nào Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào hiệp hội ngành nghề làm. Chúng ta phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch".Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn”, Bộ trưởng cho hay.

Ngọc Yến
.
.
.