Giải pháp nào để khách hàng không rơi vào “bẫy” bảo hiểm?

Chủ Nhật, 26/02/2023, 12:30

Để chạy doanh thu, một số nhân viên ngân hàng đã tìm cách ép, thậm chí “bẫy” khách hàng mua bảo hiểm khiến cho thị trường này trở nên méo mó và nhiều tai tiếng.

“Gà đẻ trứng vàng”

Chuyện ngân hàng và bảo hiểm bắt tay nhau không mới và thực sự là một nghiệp vụ hoàn toàn hợp pháp. Sự liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm là đầy tiềm năng cho mục tiêu tăng doanh thu và thu nhập cho cả hai phía.

Giải pháp nào để khách hàng không rơi vào “bẫy” bảo hiểm? -0
Nhiều ngân hàng ép khách mua bảo hiểm để chạy doanh thu.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, 16/18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ký 61 hợp đồng liên kết với các ngân hàng Việt Nam, trong đó 40 hợp đồng có thỏa thuận phân phối độc quyền (66%); 21 hợp đồng không có thỏa thuận phân phối độc quyền (34%). Việc hợp tác này mang lại nguồn lợi lớn cho cả hai bên. Nhiều ngân hàng thu về khoản lãi nghìn tỷ đồng mỗi năm từ bán chéo bảo hiểm.

Có thể thống kê một số ngân hàng có lãi khủng từ bán bảo hiểm như trong năm 2022, ngân hàng MB đạt 10.185 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 21% so với năm trước, chiếm tới 71% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ; hay tại ngân hàng VIB, năm 2022, thu nhập hoa hồng bảo hiểm đạt 1.302 tỷ đồng…

“Những năm gần đây, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã trở thành xu hướng nhờ tính thuận tiện, hiệu quả và lợi ích mang lại cho tất cả các bên tham gia. Việc triển khai thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không chỉ mang lại những lợi ích về mặt kinh tế cho ngân hàng mà còn giúp đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu, nâng cao trải nghiệm sử dụng các dịch vụ/sản phẩm tài chính của khách hàng, hỗ trợ xây dựng nền tảng khách hàng trung thành”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn đánh giá.

Cũng cho rằng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng là kênh tốt và hiệu quả, đặc biệt đối với các thị trường bảo hiểm phát triển trên thế giới, Cục trưởng Cục Quản lý Bảo hiểm Ngô Việt Trung cho biết, đối với Việt Nam, trong thời gian qua, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam, khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. “Tuy nhiên, vì phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng”, ông Trung nói.

Cái gọi là “bất cập” ở đây xuất phát từ việc một số ngân hàng vì doanh thu, tìm mọi cách “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Việc khách bị ép mua bảo hiểm mới được vay vốn trở thành chuyện phổ biến tại một số ngân hàng, với một số khách hàng yếu thế cần vay vốn. Chuyện này nhiều khách hàng đã phản ánh nhưng vẫn không được giải quyết triệt để, cho đến khi xảy ra vụ việc ngay cả khách gửi tiền cũng bị “bẫy” để mua bảo hiểm.

Mới đây nhất, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên SCB - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam. Theo đó, các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Đẩy mạnh thanh tra, giám sát

Theo ông Ngô Việt Trung, với pháp luật kinh doanh bảo hiểm, nguyên tắc quan trọng đầu tiên của việc tham gia bảo hiểm phải là tự nguyện. Với đại lý, dù là tổ chức hay cá nhân, phải tư vấn trung thực và tư vấn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng. “Trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, chúng tôi đã bổ sung một loạt giải pháp để đảm bảo minh bạch trong các tài liệu sản phẩm bảo hiểm; nguyên tắc tự nguyện để khách hàng hiểu được mục đích, sản phẩm bảo hiểm đó có phù hợp với mình không; các quy định về trách nhiệm của đại lý tư vấn bảo hiểm như nghiêm cấm việc tư vấn sai, tư vấn mập mờ gây hiểu nhầm giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng”, ông Trung thông tin.

Hiện nay, trước sự “chệch hướng” của một số ngân hàng, NHNN cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm… NHNN cũng đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD. Mới đây nhất, NHNN đã tổ chức hội nghị về hoạt động đại lý bảo hiểm của các TCTD để chấn chỉnh. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.

Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua TCTD không phải là sản phẩm của TCTD. Không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. “Các TCTD tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống để phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi “ép”, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn chỉ đạo.

Cũng ráo riết ra quân, Bộ Tài chính cho biết đã chủ động thực hiện một số giải pháp. Ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính và NHNN đã ban hành Thông tư Liên tịch để quản lý việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Qua đó, đã quy định một số nguyên tắc nhất định để đảm bảo quản lý, giám sát kênh này chặt chẽ. Trong suốt những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2020 – 2022, Bộ Tài chính đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm thắt chặt hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đặc biệt là các vấn đề về nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm.

“Năm 2022, chúng tôi đã trình Bộ và được Bộ phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm và đã thực hiện được 4 cuộc thanh tra, đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ xử lý nghiêm hoặc phối hợp với cơ quan Công an xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự. Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát với kênh này”, ông Ngô Việt Trung cho biết.

Cùng với việc phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính cũng đã lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các phản ánh của người dân, tổ chức về các hiện tượng làm không đúng nguyên tắc tự nguyện trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. “Chúng tôi hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ này giữa hai cơ quan, thời gian tới, những giải pháp đồng bộ về hoàn thiện cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường bảo hiểm sẽ ngày càng minh bạch và phát triển bền vững”, ông Trung nói. 

Hà An
.
.
.