Giải pháp kéo hàng hóa giảm theo giá xăng dầu

Thứ Sáu, 05/08/2022, 07:48

Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần trong sự mong ngóng, chờ đợi của người tiêu dùng. Mức giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao như: giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua.

Tại toạ đàm xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - Thực trạng và giải pháp do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/8, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp (DN) cần phải tính toán lại giá thành sản xuất.

Giải pháp kéo hàng hóa giảm theo giá xăng dầu -0
Doanh nghiệp cần tính toán lại mức kê khai giá và thực hiện niêm yết giá.

Trước việc giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian vừa qua và giá nhiều mặt hàng có xu hướng neo cao, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) Đinh Thị Nương cho biết, trước tiên là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp đến giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Cục Quản lý giá về chu trình, độ trễ của giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên nhân khác. Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.

“Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”. Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa. Bên cạnh đó, quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân. Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý.

Ông Trần Bảo Ngọc (Vụ trưởng Vụ Vận tải-Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, có nhiều yếu tố cấu thành nên giá thành vận tải và dịch vụ. Với mỗi loại hình vận tải thì tỷ trọng chi phí xăng dầu lại khác nhau nhưng mức trung bình là 30-40% trong tổng chi phí cấu thành giá vận tải.“Khi giá xăng dầu giảm, giá dịch vụ vận tải vẫn neo ở mức cao. Dù điều chỉnh giá cần có “độ trễ” nhưng cũng không nên trễ quá. Bốn lần giảm thì cũng đủ độ trễ rồi”, ông Trần Bảo Ngọc nói. “Những đơn vị chỉ có tăng giá chứ không giảm giá nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý theo quy định, phải trả lại tiền cho khách hàng”.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo lành mạnh hóa thị trường và bình ổn giá, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là việc minh bạch thị trường, giảm khâu trung gian, thực hiện văn hóa kinh doanh...

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì “Hy vọng thời gian tới việc giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn".

Ngoài ra, ông Cấn Văn Lực còn cho rằng cần giải “bài toán” về logistics, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết hạn chế của khâu trung gian để không có chênh lệch quá nhiều. Cùng với đó cần công khai minh bạch về giá, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt vừa giúp công khai minh bạch vừa phòng chống tham nhũng.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên. Tuy nhiên, việc tăng giá và neo ở mức cao của giá hàng hoá hiện nay tác động rất lớn đến DN và người dân. Do vậy, rất cần thiết phải  chú ý đến nguồn cung hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. “Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, sự thông tin thường xuyên, hỗ trợ của các cơ quan báo chí, để dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên -xuống giá”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo bà Đinh Thị Nương, các ý kiến, các giải pháp đưa ra phù hợp diễn biến thị trường hiện nay. Để kéo hàng hoá giảm theo giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Đồng thời Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh công tác dự báo, phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khoá với các chính sách vĩ mô khác và triển khai hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, những người thu nhập thấp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến cái chỉ số CPI cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.

Phan Đức
.
.
.