Giải pháp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
Tại diễn đàn “Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TP Hồ Chí Minh” tổ chức ngày 15/9 tại TP Hồ Chí Minh, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới, tiềm năng, hầu hết các nhà đầu tư cho rằng TP Hồ Chí Minh cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình, cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, sự tăng trưởng của nguồn vốn FDI không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án lớn. Việc thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI còn góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh... Nhiều năm qua, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID - 19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.
Cụ thể, theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy. Trong 53 tỉnh thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, TP Hồ Chí Minh là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới.
TP Hồ Chí Minh hiện có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư với 10.925 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đạt 78,32 tỷ USD. Nói về lợi thế để thu hút đầu tư FDI, bà Mai Phong Lan – Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều năm liền TP Hồ Chí Minh là một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Nếu như trước đây, TP Hồ Chí Minh chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), thì hiện nay, qua thống kê các dự án lớn được cấp phép trong những năm gần đây, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Đây là các lĩnh vực mà thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến. Điều đó chứng tỏ hiệu quả của những định hướng xúc tiến đầu tư thời gian qua cũng như nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút các dự án có giá trị lớn, theo đúng định hướng chú trọng vào chất lượng dự án hơn số lượng dự án.
Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với một số khó khăn lớn làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư như: sức ép lạm phát từ việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới, gây áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế; hệ thống cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ có nhiều thua kém và tỷ lệ lấp đầy của khu công nghệ cao, các khu chế xuất – khu công nghiệp luôn ở mức cao, quỹ đất để thu hút các dự án phục vụ sản xuất công nghiệp không còn nhiều.
Theo đánh giá của ông Leif Schneider – Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các DN Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), TP Hồ Chí Minh liên tục đứng đầu về số liệu đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với con số là 3,74 tỷ USD vào năm 2021. Bên cạnh đó, có một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội cho các DN nước ngoài và TP Hồ Chí Minh có vị trí tốt để thu hút thị phần đầu tư này. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép. Còn về thuận lợi thì Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp, nhưng trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp đến quá trình làm việc.
Vì vậy, ông Leif Schneider khẳng định, yếu tố con người được xem là tiên quyết, thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị. Chính quyền TP Hồ Chí Minh cần chủ động trong việc giao tiếp với các nhà đầu tư để tạo sự minh bạch.
TS. Phan Hữu Thắng – Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp, chính sách, rà soát, đánh giá các dự án đang hoạt động để từ đó xây dựng chiến lược, định vị lại lợi thế của Việt Nam, chú trọng điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể. Để đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng cho nhiều lĩnh vực, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư nước ngoài.