Giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt kỳ vọng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng.
Đây cũng là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập 6 Tổ công tác để kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ phân bổ, giải ngân vốn còn thấp, đồng thời liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.
Tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm; lại có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm. Ví dụ như do giải phóng mặt bằng chậm; do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…
Năm 2022 này lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.
Không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.