Giá vàng tăng vọt, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục kiểm soát chênh lệch giá phù hợp
Giá vàng thế giới tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới, kéo theo giá vàng nhẫn tăng vọt. Trong khi đó, giá vàng SJC ngày 23/10 tiếp tục đi ngang.
Vàng nhẫn “vượt mặt” vàng miếng
Sau 2 phiên tăng liên tiếp với tổng mức tăng 3 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC ngày 23/10 đi ngang với chiều mua phổ biến ở mốc 87 triệu đồng/lượng và chiều bán đồng giá 89 triệu đồng.
Các doanh nghiệp vàng tiếp tục giữ chênh lệch mua – bán ổn định với khoảng cách 2 triệu đồng và đã duy trì mức chênh này phổ biến trong nhiều tháng qua.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục leo thang. Tính đến cuối giờ chiều ngày 23/10, giá vàng nhẫn cũng đã chính thức vọt lên mốc 89 triệu đồng/lượng bán ra. Giá mua vào thậm chí còn “vượt mặt” giá vàng SJC, khi niêm yết ở mức 88 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng sau khi lên mức 2.750 USD/ounce, đã giảm nhẹ xuống còn 2.740 USD/ounce.
Vàng tăng giá trong bối cảnh đồng USD cũng leo thang những phiên gần đây. Đồng USD vẫn tiếp tục lập đỉnh mới, ghi nhận lúc 9h15 ngày 23/10, chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt giao dịch ở mức cao 104,16 điểm.
Mặt hàng kim loại quý tăng chủ yếu do căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông khi quân đội Israel tiếp tục tập kích các cứ điểm quân sự của Hezbollah ở Lebanon.
Giá vàng thế giới còn được hỗ trợ khi dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ có dấu hiệu giảm sau khi các chỉ số Dow Jones, S&P500, Nasdaq đều liên tiếp lập kỷ lục trong gần 5 tháng qua.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 5/11. Đây được xem có thể là một bước ngoặt cho thị trường vàng.
Bên cạnh đó, vàng còn được hưởng lợi khi Mỹ tiếp tục cắt giảm lãi suất theo kế hoạch đề ra.
Nghiên cứu sửa Nghị định 24
Trong khi giá vàng đang tăng không có đà cản, thì tình trạng giao dịch vàng trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi các cửa hàng vàng thông báo không đủ nguồn cung. Theo đó, nhiều cửa hàng vàng thông báo không có vàng miếng để bán cho khách, còn vàng nhẫn cũng được cung ứng một cách “nhỏ giọt”: mỗi căn cước công dân sẽ chỉ được đăng ký mua từ 2-3 chỉ vàng nhẫn mà thôi.
Tình trạng “khan hiếm” này đã khiến cho hoạt động giao dịch vàng “chợ đen” trở nên nhộn nhịp. Giá thu mua vàng miếng SJC đã bị đẩy lên 91 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá thu mua vàng miếng một vài thương hiệu cũng đã bị đẩy lên 89 triệu đồng/lượng từ chiều 22/10.
Về phía cơ quan quan lý, ngày 22/10, NHNN đã thông báo bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 NHTMCP Nhà nước và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn- SJC với giá bán 88.000.000 đồng/lượng.
NHNN cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Liên quan đến vấn đề thị trường vàng, NHNN cũng vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo NHNN, ngày 20/3/2024, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo NHNN các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật;
NHNN cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi... gây mất ổn định thị trường vàng.
Năm 2024, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng theo Quyết định 324 ngày 17/5/2024. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp đã kết thúc và đang trong quá trình dự thảo báo cáo kết luận.
Căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường. Phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền các địa phương, để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.
Theo đánh giá của NHNN, với những giải pháp đồng bộ nói trên và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát, duy trì với biên độ phù hợp (hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 - 7%).
“Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô”, NHNN đánh giá.
Về định hướng điều hành, quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, tại văn bản trả lời chất vất cử tri tại một số địa phương, NHNN cho biết đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.