Giá vàng giảm, “đánh bay” nỗ lực lập đỉnh
Giá vàng SJC đã rơi từ mức đỉnh 90 triệu đồng/lượng xuống còn 89 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng theo đà giảm sâu.
Ngày 4/11, giá vàng SJC được điều chỉnh 500 nghìn đồng/lượng, hiện ở mức 87-89 triệu đồng/lượng. Trước đó, trong ngày 30/10, sau khi chứng kiến giá vàng thế giới liên tục phá kỷ lục, vàng miếng trong nước đã bật tăng 1 triệu đồng/lượng, lên mốc 90 triệu đồng lần đầu tiên kể từ ngày 30/5/2024.
Giá vàng nhẫn cũng giảm khá mạnh và tuột mốc 89 triệu đồng/lượng ở nhiều thương hiệu. Trong đó, Công ty SJC và Tập đoàn DOJI đã điều chỉnh xuống 87,0-88,8 triệu đồng/lượng.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận hiện giao dịch vàng nhẫn với giá 87,5-88,9 triệu đồng/lượng, riêng Bảo Tín Minh Châu áp dụng 87,98-88,98 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 2.741 USD/ounce, tương đương với hơn 84 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành, chưa bao gồm thuế, phí.
Tuần trước, hướng đi của vàng chịu tác động mạnh bởi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris; cuộc xung đột tại Trung Đông cùng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới.
Tuần này, cuộc bầu cử Mỹ cùng quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ chi phối tâm lý trên thị trường kim loại quý này. Ngoài ra, giới đầu tư sẽ chú ý đến dữ liệu về hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần và báo cáo sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan.
Theo ý kiến một số chuyên gia thì vàng vẫn có sức hấp dẫn rất lớn, tuy rằng vàng nhiều lần có nguy cơ giảm mạnh nhưng sức hấp dẫn của kim loại quý này vẫn được duy trì và giá đã chạm ngưỡng 2.800 USD/ounce vào tuần trước. Điều này cho thấy "sức đề kháng" mạnh mẽ của kim loại quý này. “Lãi suất thấp hơn trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và lạm phát chưa được kiểm soát là sự kết hợp mạnh mẽ cho vàng”, Chủ tịch Adrian Day cho biết.