Gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2022
Đánh giá về lạm phát trong năm 2022, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, bước sang năm 2022, áp lực lạm phát là rất lớn. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trong năm 2022, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá vận chuyển.
Áp lực lạm phát đối với kinh tế đang hiện hữu
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI của năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây. Bình quân năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,81% so với năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,84%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng. Mức lạm phát cơ bản năm 2021 so với năm trước là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Nguyên nhân khiến CPI năm 2021 có mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua là do sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt trong quý III/2021) đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp (DN), trong năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu giảm giá điện, nước sinh hoạt, viễn thông, không tăng học phí, viện phí theo lộ trình, thậm chí miễn giảm học phí 2021-2022 cho các đối tượng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng.
Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung.
TS Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo sau đại học, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, với tình hình phục hồi như hiện nay, thì GDP quý I/2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt 6-7% nhờ một số ngành trong năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành dịch vụ...
Đặc biệt, năm 2022, việc triển khai áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP thực sự đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục cởi trói tinh thần cho DN, tạo lòng tin dài hạn đối với DN để DN yên tâm xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu mang tính ổn định, có chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Mặc dù vậy, do tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức thấp so với mục tiêu 4%. Tuy vậy, áp lực lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế nước ta cũng đang hiện hữu.
Giải pháp nào kiểm soát lạm phát?
Dự báo về CPI trong năm 2022, TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Lạm phát năm 2022 sẽ được kiểm soát tốt vì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là biến chủng mới; chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc.
Bên cạnh đó, trên thế giới thời gian qua hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây, tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng theo đánh giá, áp lực không quá lớn bởi sức cầu trong nước vẫn còn yếu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm, do vậy việc kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng. Bởi, nền kinh tế thế giới đã dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng; khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Bên cạnh đó, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như giá điện, nước, y tế, giáo dục…) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền và gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.
Do vậy, để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế. Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước giàu tài nguyên, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.
Về mục tiêu tăng trưởng năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6,0-6,5% do Quốc hội đặt ra năm 2022 là một thách thức. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, cần thực hiện các giải pháp cơ bản, đó là kiểm soát dịch bệnh; khai thác thị trường trong nước. Triển khai gói kích thích kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và việc làm; khai thác và thực hiện hiệu quả hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới…