Giá điện tăng, thêm áp lực với sản xuất, đời sống
EVN ước tính việc tăng giá điện 4,8% sẽ làm tăng CPI khoảng 0,04%. Đây cũng là mức tăng rất thấp và đã được Chính phủ, Bộ Công Thương tính toán để không tác động nhiều đến nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã 3 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3%, 4,5% và 4,8%.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến hộ nghèo bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hằng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo hộ chính sách là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 62.500 đồng/hộ/tháng.
Ở góc độ người dân, chị Minh Ánh (Sơn Tây - Hà Nội) chia sẻ, tăng giá điện là điều khó tránh, song với người dân, nhất là với những người đi thuê trọ thì chi phí sinh hoạt sẽ bị tăng thêm một khoản lớn. Với mỗi hộ gia đình theo tính toán của EVN tăng không đáng kể, song, chi phí tăng theo luỹ tiến số điện dùng và khung giờ sử dụng điện nên giá sẽ đẩy lên rất cao.
Theo ông Trần Hưng (Hà Đông- Hà Nội), các gia đình hiện tại ngày càng sử dụng nhiều thiết bị điện, chứng tỏ nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Tăng giá điện mà đủ điện dùng vẫn hơn là bị cắt điện, thiếu điện. Tuy nhiên, tăng giá điện sẽ khiến các gia đình phải tự cân đối cách tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng các thiết bị điện như thế nào để chi phí gia đình hợp lý. Đây cũng là áp lực với các gia đình. Hơn nữa, điện tăng giá từ ngày 11/10, tức là từ 0h, mà EVN không thông báo trước, đến tận cuối ngày mới thông báo, như thế là không sòng phẳng với người tiêu dùng. "Tháng vừa rồi mặc dù đã sử dụng rất tiết kiệm điện mà nhà tôi vẫn hết 800.000 đồng tiền điện, tháng này tăng giá điện thì chắc số tiền phải trả cũng tăng lên nhiều", ông Hưng chia sẻ.
Cùng với điều chỉnh giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh. Theo lãnh đạo EVN, hiện có khoảng 547.000 khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ, trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm khoảng 247.000 đồng. Với các đơn vị sản xuất, hiện có 1,921 triệu hộ sản xuất, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng. Với các đơn vị hành chính sự nghiệp, có khoảng 691.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, các đơn vị sẽ phải trả thêm 91.000 đồng/tháng.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) cho rằng, với DN sử dụng năng lượng điện nhiều và chi phí điện năng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm thì đợt tăng giá này sẽ tác động lớn đến bài toán chi phí của DN. Đặc biệt trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam với các DN Trung Quốc về giá thành và chi phí còn yếu thì đây là thách thức đối với DN coi xuất khẩu là ưu tiên trong chiến lược phát triển dài hạn. Do đó, để thích ứng trong lúc này buộc DN phải thích nghi bằng cách tự cắt giảm chi tiêu và chi phí.
Cùng với đó, ông Dương Như Đức, Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình cũng cho rằng, giá điện tăng sẽ tác động lớn tới DN. Theo đó, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất, tăng chi phí như vậy gây khó khăn cho DN.
Theo ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, DN chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo sang thị trường châu Âu. Dây chuyền máy móc tiêu thụ lượng điện năng lớn nên việc EVN quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% đã tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Hiện, DN đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh...
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện, tuy nhiên việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho DN do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục cuối năm nay. Do vậy, giá điện tăng ảnh hưởng tương đối nhiều đến ngành dệt may. Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, DN ngành dệt may đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó sử dụng điện mặt trời (điện áp mái).
Hiện nay, một số DN như May 10, Việt Tiến… đã đầu tư điện áp mái để giảm bớt khó khăn về chi phí điện. Từ thách thức của tăng giá điện thì các DN của ngành dệt may cũng phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các DN trong khu vực.