Gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi

Thứ Ba, 14/06/2022, 18:36

Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thực phẩm của Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu thực phẩm sang thị trường các nước Châu Phi, trong hai ngày 14 và 15/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam – Châu Phi 2022.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng thực phẩm sang thị trường châu Phi, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, sản xuất nội khối của châu Phi chưa đủ đáp ứng như sản phẩm chế biến từ cà phê, hạt tiêu, gạo

Hiện, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi là gạo (chiếm 20% tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang châu Phi). Vấn đề an ninh lương thực được các nước châu Phi quan tâm và càng được quan tâm hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi  -0
Gạo Việt Nam rộng cửa vào thị trường châu Phi.

Trong khi đó, sản xuất gạo của các nước châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này. Gạo Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique.

Bên cạnh gạo, châu Phi cũng có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê và hạt tiêu. Hàng năm, châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính. Đáng chú ý, ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.

Thời gian qua, thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại với khu vực thị trường châu Phi cho thấy, đa phần các nước châu Phi đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, để xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm sang châu Phi, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi làm ăn tại thị trường Châu Phi, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý để tránh rủi ro.

Tình trạng lừa đảo ở các nước Châu Phi khá phổ biến như thông qua hình thức đấu thầu, đối tượng dễ đồng ý mua hàng Việt Nam với giá cao, đề nghị Việt Nam gửi tiền để lo thủ tục; hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc… Sau khi nhận được tiền từ doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng sẽ đóng website và bỏ trốn.

Do vậy, trước khi giao dịch, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng như Thương vụ có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh.

Lưu Hiệp
.
.
.