Được mùa xuất khẩu tôm, cá tra
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh...
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước 3 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ.Kết quả này chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang trên đà hồi phục mạnh. Riêng tháng 3, xuất khẩu cá tra đạt 262 triệu USD, tăng 80% với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính, như: Mỹ, Trung Quốc, EU.
Lũy kế 3 tháng, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra nguyên liệu cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 3, giá cá tra thịt trắng tại Đồng Tháp đạt mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, tăng gần 35% so với đầu năm.
Theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh ở các thị trường chính đẩy doanh nghiệp vào tình huống sản xuất không kịp trả đơn hàng. Doanh nghiệp phải tính toán tăng công suất hoạt động đáp ứng các đơn hàng tăng mạnh trong năm nay. Công ty IDI đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II và đã chuẩn bị kho hàng dự trữ 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ (17.000 – 18.000 đồng/kg) cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là Mexico và Brazil, nơi IDI chiếm thị phần lớn.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm cũng đang có tín hiệu tích cực. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 558 triệu USD, tăng 48%. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước, đạt 117,5 triệu USD (tăng 61%).
Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu COVID-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm tiếp tục tăng cao. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi, đạt 39,7 triệu USD (tăng 14%). Năm 2022, dự báo Trung Quốc nhập khẩu tôm tăng mạnh nhưng thị trường rất khắt khe trong việc giám sát các sản phẩm nhập khẩu nếu có tồn tại dấu vết của dịch bệnh COVID-19. Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết: Năm 2020, đối với xuất khẩu cá tra thì Việt Nam có 6 lô hàng bị cảnh báo về hóa chất kháng sinh nhưng trong năm 2021 không có thị trường nào cảnh báo.
Tuy nhiên có khoảng 30 lô hàng cá tra xuất sang Trung Quốc đã bị thị trường này cảnh báo các chỉ tiêu liên quan dịch bệnh COVID-19. Khi điều tra nguyên nhân, virus SARS-CoV-2 xuất phát từ khâu bao gói, xếp dỡ hàng lên container. Doanh nghiệp có 1 lô hàng có dấu vết của bệnh COVID-19, bị tạm ngưng làm thủ tục nhập khẩu 1 tuần, từ 2-3 lô trở lên thì tạm ngưng từ 4-6 tuần. “Việc tạm hoãn này tạo ra thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì vậy việc kiểm soát chặt chẽ công nhân xếp dỡ hàng hóa là hoạt động hết sức quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý trong thời gian tới”, ông Lê Bá Anh lưu ý.
Trong năm 2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ. Theo ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần chú ý vấn đề chống bán phá giá, trong khi đó thị trường EU cần quan tâm đến các chứng nhận, như: GAP, ASC… Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu được dễ dàng hơn.