Đưa vàng miếng SJC ra thị trường với giá sản xuất để kéo giảm mức chênh lệch

Thứ Hai, 27/05/2024, 07:02

Trước sức nóng về giá vàng miếng SJC, thời gian gần đây Chính phủ liên tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các bộ ngành liên quan triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường kiểm soát thị trường, kìm chế giá. NHNN và các cơ quan chức năng cũng đã đồng loạt vào cuộc với nhiều biện pháp để hạ nhiệt giá vàng miếng SJC.

Những ngày qua cũng đã có thêm một lượng vàng miếng SJC lớn được NHNN đấu thầu, đưa ra thị trường. Song, những áp lực trên cũng chỉ có thể khiến giá vàng miếng SJC “rung lắc”, có những đợt tăng, giảm ở mức một vài triệu đồng/lượng và vẫn neo ở mức giá cao. “Đu” theo giá vàng miếng SJC, một số thương hiệu vàng miếng khác cũng đẩy giá lên theo. Với doanh nghiệp dẫn dắt thị trường và sản sinh ra thương hiệu vàng miếng SJC là Công ty NTHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng càng cao hoặc càng tăng giảm thất thường, mức chênh lệch giữa giá mua vào, bán ra với vàng miếng SJC càng được giãn rộng bởi lý do hết sức đơn giản là để giảm thiểu rủi ro về giá do giá vàng biến động từng giờ.

Đưa vàng miếng SJC ra thị trường với giá sản xuất để kéo giảm mức chênh lệch -0
Nguồn vàng trang sức dồi dào và luôn có giá khá thấp so với vàng miếng SJC.

Ngày 19/5 vừa qua, khi giá bán ra quay lại mức hơn 90 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giữa giá mua vào, bán ra với vàng miếng SJC của công ty này ở mức 2,7 triệu đồng/lượng. Với việc mua, bán hàng nghìn lượng mỗi ngày thời gian qua, đầu mối kinh doanh này đã thu về lợi nhuận ra sao từ mảng kinh doanh vàng miếng là vấn đề dư luận đang thắc mắc.

Thực trạng thị trường nhanh chóng “nuốt” hết số vàng miếng SJC khá lớn do NHNN đấu thầu, đưa thêm vào lưu thông, nhưng giá mặt hàng này vẫn tăng cao đã cho thấy biện pháp kìm chế giá vàng miếng SJC như vậy chưa đem lại hiệu quả bền vững. Đây không phải là lần đầu NHNN thực hiện việc can thiệp, cung ứng thêm vàng miếng SJC ra thị trường.

Với tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, sản xuất kinh doanh khó khăn những năm gần đây, xu thế người dân chuyển tài sản thành vàng tăng lên càng khiến lượng vàng miếng SJC đang lưu thông giảm đi khiến giá bán càng bị đẩy lên cao. Thạc sĩ quản trị tài chính M.T, người đồng sở hữu một chuỗi cửa hàng vàng trang sức tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, vàng miếng lưu thông trên thị trường ngày càng giảm, nên trong ngày chỉ cần vài “cá mập” mua gom với số lượng lớn để đầu tư hoặc cất trữ, giá mặt hàng này sẽ lập tức “nhảy dựng đứng”.Góp ý với NHNN vào thời điểm cơ quan này nhận trách nhiệm độc quyền quản lý, sản xuất và cung ứng vàng miếng SJC, TS Nguyễn Thế Hùng đã cho rằng NHNN cần sử dụng nghiệp vụ chuyển đổi phái sinh. Tức bán vàng giao ngay và mua vàng kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Song giải pháp này cũng chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn để giúp kìm chế, kéo giá vàng miếng SJC về sát giá vàng thế giới. Bởi nếu cứ liên tục phải nhập khẩu vàng nguyên liệu, NHNN sẽ phải bỏ ra lượng ngoại tệ rất lớn, gây ảnh hưởng đến việc dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Thạc sĩ M.T phân tích, xu hướng hiện nay đa số người dân, nhất là tại các đô thị lớn khi đeo vàng trang sức thường sử dụng loại vàng trắng hoặc vàng có độ tuổi thấp. Những người trữ vàng hoặc người đầu tư mua đi bán lại kiếm lời hầu như đều chọn vàng miếng SJC loại 1 lượng. Giá vàng trang sức cùng tuổi thấp hơn rất nhiều so với vàng miếng SJC những năm qua đã cho thấy rõ điều này. Do vậy, NHNN cần bám xu thế trên, tổ chức thu gom để sản xuất, cung ứng ra thị trường loại vàng miếng giá rẻ từ nguồn vàng trang sức. “Với xu thế giá vàng cao, kinh tế khó khăn như hiện nay, việc thu gom số vàng trang sức 24k do người dân tích trữ ở mức nhỏ lẻ bán ra là không khó. Vấn đề là NHNN cần loại bỏ tư tưởng “đi buôn”, đưa vàng ra thị trường bằng với giá sản xuất để tập trung vào trách nhiệm quản lý, kéo giảm giá vàng miếng SJC đang nóng hiện nay”, Thạc sĩ M.T đề nghị.

Bảo Sơn
.
.
.