Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

Thứ Hai, 22/07/2024, 05:17

Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) nói riêng đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, để các sản phẩm này có thể đứng vững trên thị trường, đi xa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ đang là vấn đề được cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) quan tâm.

Hàng Việt áp đảo hàng ngoại nhập

Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt được trưng bày tại hệ thống quầy kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập, trong đó thực phẩm chiếm đa số. Thống kê của hệ thống siêu thị Co.opmart, hàng Việt tại đây chiếm vị trí áp đảo so với hàng ngoại nhập, riêng hàng thực phẩm các loại chiếm trên 95%. Tại chuỗi siêu thị GO!/Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%. Tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.

a3e515bd-d112-4277-93c8-88b407e4524f.jpeg -0
Hàng nông sản chất lượng cao đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng.

Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản chất lượng cao đang ngày được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng, điều này khẳng định vị thế và chỗ đứng vững chắc của hàng Việt ngay trên sân nhà.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP, số lượng sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm cũng có sự thay đổi, với hơn 70% sản phẩm được đánh giá 3 sao, khoảng 26% sản phẩm được đánh giá 4 sao, còn lại là sản phẩm 5 sao. Đặc biệt, OCOP đã tạo nên những thay đổi về mặt thương mại mạnh mẽ, đã có phiên bán hàng trực tuyến trên TikTok chuyên cho các sản phẩm OCOP, qua đó lan tỏa hầu hết vào hệ thống phân phối, tạo điểm gặp gỡ giữa sản xuất và tiêu dùng…

Là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước, đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu cả nước trong phát triển Chương trình OCOP. Cùng với việc đánh giá phân hạng sản phẩm, công tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm OCOP cũng được các đơn vị sở, ngành đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, tìm kiếm đầu ra bền vững là vấn đề được đặt ra.

Ông Nguyễn Như Hảo, Giám đốc HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, bưởi Quế Dương là sản phẩm OCOP thứ hai của huyện Hoài Đức. Hiện nay, nhu cầu về bưởi sạch, bưởi hữu cơ của người tiêu dùng ngày càng tăng. Song, có 2 việc mà bà con của HTX đang mong mỏi đó là sự tăng cường của cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng bưởi sạch, nhằm mở rộng diện tích trồng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là kết nối tiêu thụ vào kênh siêu thị để có đầu ra ổn định. “Về tiêu thụ sản phẩm, HTX đã từng liên hệ với hệ thống siêu thị trong nội thành để đưa sản phẩm vào bán nhưng sức tiêu thụ khá chậm. Về cách thức bán hàng online, đến nay, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được”, ông Nguyễn Như Hảo cho hay.

Bà Hoàng Thị Huyền, đại diện Sàn TMĐT Buudien.vn cho biết, ra mắt ngày 31/3/2024, Buudien.vn đặt mục tiêu năm 2024 cập nhật 100% sản phẩm OCOP, đưa tối thiểu 5.000 sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam lên sàn. Bưu điện Việt Nam hiện có 13.000 điểm dịch vụ, tương ứng 13.000 điểm bán lẻ tại 63 tỉnh, thành phố. Đây cũng chính là 13.000 điểm đang giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Ngoài truyền thông nội bộ của Bưu điện Việt Nam, tại các điểm bán lẻ tổ chức livestream đa nền tảng trên TikTok, mạng xã hội. Ba năm qua, các chương trình của Bưu điện Việt Nam thực hiện đã hỗ trợ tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản số lượng lớn thành công như vải Bắc Giang, mận Sơn La. Trước kiến nghị của HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, bà Hoàng Thị Huyền cho biết, thời gian tới, Bưu điện sẽ triển khai thí điểm tiêu thụ quả na và có thể là bưởi, để hỗ trợ bà con tiếp cận sàn TMĐT, tiêu thụ nông sản.

Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp

Để thúc đẩy hàng Việt và giúp DN đến gần hơn với người tiêu dùng, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, DN, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Triển khai các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho DN, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt… Từ đó các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài (Aeon, Lotte, Central Group…).

Về phía DN, ông Hiệp cho rằng, DN cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ nguồn nguyên liệu sản xuất, hướng tới đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm phục vụ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng từng thời điểm, sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, đủ các giấy tờ, chứng nhận sản phẩm theo quy định, công tác truyền thông sản phẩm được chú trọng, phát triển hoạt động TMĐT…

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, Hiệp hội đã phối hợp với DN trong tháng 7 này sẽ khánh thành trung tâm livestream hiện đại trị giá gần 10 tỷ đồng để bán hàng hộ DN. DN có thể đưa sản phẩm, giá cả tới và trung tâm sẽ bán hàng hộ.

Để hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng thị trường, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội cho hay, Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp sàn TMĐT có trụ sở, đại lý tại Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, hỗ trợ các DN, cá nhân tại các địa phương nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến; tăng cường nghiên cứu, triển khai các phương thức xúc tiến thương mại mới trên môi trường số; hướng tới hỗ trợ đào tạo, tập huấn các DN, hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong tiếp cận với bán hàng thông qua sàn TMĐT, bán hàng livestream.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu; tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ xúc tiến và từ các bộ, ngành, địa phương, DN, tổ chức quốc tế...

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng hỗ trợ DN, HTX trong việc kết hợp bán hàng TMĐT với bán hàng theo cách thức truyền thống và sự nỗ lực của DN trong việc đảm bảo chất lượng hàng hoá, hàng Việt sẽ đi xa hơn và bền vững hơn.

Trân Trân
.
.
.