Dư địa thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam rất lớn
Sau khi tăng mạnh trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả tháng 2/2024 bất ngờ giảm tới 41,5% so với tháng 1 và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp và chuyên gia ngành rau quả cho rằng, XK rau quả vẫn là điểm sáng và có nhiều dư địa để hướng tới kim ngạch XK 6-7 tỷ USD trong năm 2024.
Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), sau khi tăng mạnh trong tháng 1/2024, kim ngạch XK rau quả bất ngờ giảm trong tháng 2/2024, ước đạt gần 288 triệu USD. Như vậy, trong tháng 2/2024, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam đã giảm tới 41,5% so với tháng 1 và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, trong tháng 1/2024, kim ngạch XK rau quả vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 490 triệu USD, tăng 103% so với tháng 1/2023.
Mặc dù kim ngạch XK tháng 2 sụt giảm, nhưng tính chung 2 tháng, XK rau quả vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 778 triệu USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lý giải về sự sụt giảm này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit cho rằng, do tháng 2 năm nay rơi vào dịp Tết cổ truyền của cả Việt Nam và Trung Quốc. Giai đoạn nghỉ Tết kéo dài đúng vào giữa tháng nên đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động XK của Việt Nam. Sau Tết, phía bên mua lo bán hàng tồn, sức tiêu thụ chậm lại. Dự báo tình hình sẽ bình thường trở lại trong tháng 3.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, XK rau quả sang Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, Trung Quốc tiếp tục là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 306 triệu USD, chiếm 62,45% kim ngạch XK rau quả cả nước trong tháng đầu năm. So với cùng kỳ 2023, kim ngạch XK rau quả sang Trung Quốc tăng tới 121%. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, năm 2024, XK rau quả sang thị trường này có thể tăng tới 70-80%. Bởi, sau quá trình đàm phán ký nghị định thư với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ XK chính ngạch sản phẩm dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Chưa kể, sầu riêng đông lạnh Việt Nam có thể sẽ được phép nhập khẩu vào nước này. Nếu sầu riêng đông lạnh được phép XK vào thị trường này, kim ngạch XK rau quả năm 2024 sẽ tiếp tục bứt phá. Hiện nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường 1,4 tỷ dân như Trung Quốc là rất lớn. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh cả về chất lượng và dịch vụ hậu cần logistics, chi phí vẫn rẻ hơn.
Trên thực tế, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều lô hàng rau quả đã XK tới nhiều thị trường, trong đó, có thể kể đến lô vú sữa ở đồng bằng sông Cửu Long đã được XK thành công sang Mỹ; thanh long sang Trung Quốc... Trong tháng đầu năm, UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang phối hợp với các sở, ngành, Hợp tác xã Cù Lao Giêng và Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T XK có lô xoài tượng da xanh VietGAP đầu tiên đi thị trường Australia, Mỹ. Đây là lô xoài đã được cấp mã số vùng trồng.
Nhìn nhận về thị trường năm 2024, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho rằng, thị trường đang rất thuận lợi, những khách hàng từ thị trường truyền thống vẫn đảm bảo kín đơn. Theo ông Tùng, việc XK lô xoài tượng da xanh sang thị trường Australia và Mỹ bước đầu khẳng định vị thế trái xoài tượng của An Giang chinh phục thị trường khó tính. Đây là cơ hội lớn giúp thúc đẩy hình ảnh, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay, doanh nghiệp đang mở rộng thêm thị trường, tiếp tục đưa trái xoài sang nhiều nước hơn.
Về triển vọng XK rau quả trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng ngành hàng rau quả lại có nhiều dư địa để hướng tới kim ngạch XK hơn 6 tỷ USD. XK nhiều nhóm hàng nông sản tiếp tục khởi sắc nhờ năng lực sản xuất, chế biến và cung ứng của nước ta ngày càng cải thiện. Đồng thời, nhu cầu tại thị trường XK hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao. Hiện Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được XK chính ngạch sang thị trường này. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh XK sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc…Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đang thực thi. Nhờ đó, XK rau quả có lợi thế hơn, nhờ ưu đãi thuế quan, giúp nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.