Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản:

Doanh nghiệp đề nghị giảm lãi suất, ngân hàng nói hạ giá bán

Thứ Ba, 14/11/2023, 08:12

70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) là pháp lý, chưa kể, chính DN cũng đang tự làm khó mình khi cố tình "neo" giá bán, tự giam vốn của mình, trong khi khó khăn của BĐS, mọi người đều "đổ" cho ngân hàng.

Tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng cao

Tại Hội nghị tín dụng đối với BĐS và phát triển nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.

nha-o-xa-hoi-1.jpg -0
70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là pháp lý.

Tại hội nghị, nhiều DN BĐS  thừa nhận, khó khăn lớn nhất với BĐS hiện nay là pháp lý. Ông Dennis Ng Teck Yow - TGĐ Tập đoàn Novaland cho biết khó khăn về pháp lý - chiếm đến 70% các khó khăn hiện tại của DN BĐS và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số DN giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.

Cũng theo Novaland, thị trường BĐS đã qua thời điểm khó khăn nhất, tuy nhiên, để DN tiếp tục vượt qua khó khăn cần sự tiếp sức đồng hành của các cơ quan chức năng. Riêng về tín dụng, các DN vẫn mong được tiếp cận vốn rẻ hơn, thủ tục thông thoáng hơn, tài sản đảm bảo được định giá tốt hơn.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes cho hay, hiện nay, các DN BĐS chưa tiếp cận được lãi suất thấp, nhất là với các khoản vay cũ. Ngân hàng thương mại hạn chế room tín dụng và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao. Một vấn đề nữa là hiện nay tài sản đảm bảo của DN đang thấp hơn giá trị thị trường do thị trường BĐS đóng băng, không có nhiều giá tham chiếu. Các ngân hàng cũng chỉ chấp nhận tài sản thế chấp là BĐS, không nhận trái phiếu, cổ phiếu, máy móc thiết bị.

Trong khi đó, đến từ Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn lại đề xuất NHNN có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường BĐS, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, trong điều kiện pháp lý các dự án BĐS đang triển khai kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án BĐS, đồng thời kéo dài thời gian cho vay với DN lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng, DN thi công để các DN này giảm áp lực. Thời gian qua, các nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng chỉ được vay 6-12 tháng, từ đó gây áp lực trở lại với chủ đầu tư.

Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty BĐS Toàn Cầu đề nghị các ngân hàng thương mại phải rút gọn quy trình thẩm định, giải ngân xuống trong vòng 1 tháng thay vì 2-3 tháng như hiện nay. Đồng thời, đơn giản hồ sơ vay vốn. Hiện nay, các ngân hàng yêu cầu DN cung cấp rất nhiều giấy phép con trong hồ sơ vay vốn.  Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng không cho DN vay tiền để chi giải phóng mặt bằng, trong khi chi phí này của DN là rất lớn. Thứ hai, về lãi suất, DN này cho hay, lãi suất cho vay tại công ty ông đã giảm từ mức 10,5%/năm tháng 6/2023 xuống 9,5%/năm, song lãi vay này vẫn đang ở mức cao và đề nghị ngân hàng tiếp tục giảm xuống.    

Doanh nghiệp cần hạ giá bán

Liên quan tới kiến nghị của các DN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo, với các điều kiện đã được quy định trong luật, ngân hàng không thể nới. Tuy nhiên, với các điều kiện thuộc thẩm quyền của ngân hàng thương mại thì các ngân hàng căn cứ từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ cho DN. Về room tín dụng, hiện DN chỉ vướng ở room tín dụng mà các ngân hàng thương mại cấp cho từng khách hàng, còn room tín dụng toàn hệ thống thì vẫn đang dư thừa.

Phó Thống đốc cũng cho rằng, để thị trường BĐS sôi động hơn, DN BĐS cần có sự thống nhất trong "cuộc chơi" giá nhà. Hiện nay, giá nhà vẫn tăng cao trong khi lãi vay giảm mạnh. Chỉ khi giải quyết được vấn đề giá nhà thì mới giải quyết được vấn đề sức mua thị trường. 

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Vietcombank chỉ ra một số bất cập của thị trường BĐS hiện nay. Thứ nhất, dự án nhà ở xã hội khan hiếm, một số dự án không bán được, nguyên nhân là do đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được quy định quá chặt chẽ, ít đối tượng, các đối tượng thỏa mãn điều kiện lại khó chứng minh khả năng trả nợ khi vay vốn ngân hàng. Thứ hai, cơ cấu thị trường BĐS chưa cân đối, thiếu phân khúc nhà ở có giá cả phù hợp với thu nhập người dân. Từ đầu năm đến nay, lãi vay đã giảm 2,5% nhưng giá nhà không giảm, thậm chí còn tăng. Thứ ba, người mua nhà còn có tâm lý chờ đợi giá xuống hoặc chưa có điều kiện mua nhà.

Về ý kiến lãi suất cho vay một số ngân hàng còn cao, ông Tùng cho hay, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao. Ông Tùng khuyến nghị, các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, tập trung vào phân khúc nhu cầu thực… thì mới tạo niềm tin được với các ngân hàng.

Tương tự, ông Phạm Như ánh, TGĐ MB chỉ ra 2 kỳ vọng lớn nhất của DN BĐS đối với ngân hàng đó là giảm lãi suất và đơn giản thủ tục. "DN BĐS hãy kỳ vọng cho phù hợp. Vì lãi suất hiện đã thấp nhất từ trước đến nay: Lãi suất cho vay cá nhân đã 7-8%, tổ chức cũng 8-9%. Lãi suất cho vay BĐS trung dài hạn 9-10% là lãi suất rất tốt. Giá vốn trước đã cao, nay các ngân hàng đang cố gắng điều chỉnh. Còn về thủ tục thẩm định cho vay, vướng mắc của BĐS chủ yếu là về pháp lý. Ngân hàng để tránh rủi ro phải làm chặt chẽ hơn, thì thời gian phải kéo dài hơn. DN nên phối hợp với ngân hàng đề tháo gỡ như cung cấp đầy đủ hồ sơ, làm sao nhanh nhất có thể", ông Ánh góp ý.

Trong khi đó, thẳng thắn hơn, ông Nguyễn Đức Vinh, TGĐ VPB cho rằng DN muốn ngân hàng giảm lãi suất, thì thực tế, ngân hàng đã giảm rất nhiều, song chính DN lại không chịu giảm giá bán mà cứ "ôm" để đợi bán giá cao. "Nhiều DN BĐS đã sử dụng vốn không đúng. DN BĐS đừng "ôm" các dự án nữa, hãy bán đi, minh bạch dòng tiền, đừng chỉ kêu ngân hàng vì ngân hàng cũng rất khó", ông Vinh kêu gọi.

Hà An
.
.
.