Doanh nghiệp cần bứt phá để giữ “sân nhà”

Thứ Hai, 18/03/2024, 05:59

Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo nhiều thuận lợi cho hàng xuất khẩu lẫn hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi. Việc này dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hàng Việt Nam và hàng ngoại tại thị trường trong nước.

Hiện nay, hầu như các nước có FTA với Việt Nam đều có hàng hóa bán tại thị trường trong nước. Đặc biệt, hàng Thái Lan và Trung Quốc đã có mặt ở khắp các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống... với nhiều mặt hàng đa dạng. Nhiều ngành hàng chủ lực cuả Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc, giày dép, túi xách… cũng bị hàng Thái Lan, Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường nội địa. Đáng lưu ý là người tiêu dùng (NTD) lại rất ưa chuộng các loại hàng ngoại này.

nhap khau 1.jpg -0
Hàng ngoại nhập bán nhiều tại hệ thống phân phối.

Nắm bắt tâm lý NTD nên nhiều nhà đầu tư Thái đã “thâu tóm” thị trường bán lẻ Việt Nam. Sản phẩm Thái đã chính thức bước vào thị trường Việt Nam thông qua các kênh như: Siêu thị Tops Market, đại siêu thị thành Go và hàng loạt siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, để cạnh tranh với tất cả các phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức lớn từ sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc. Theo chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, lợi thế của hàng Trung Quốc là chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng, vận chuyển nhanh, đặc biệt là giá rẻ. Những yếu tố này đã tạo nên sức cạnh tranh đầy khốc liệt trong giai đoạn khó khăn này. Chưa kể, người bán Trung Quốc thường miễn chi phí vận chuyển đối với các mặt hàng mà họ muốn giải phóng hàng tồn. Đáng quan tâm hơn nữa, đó là hiện nay, các tổng kho lớn đã được xây dọc biên giới phía Bắc và hàng tiêu dùng Trung Quốc đã tăng lượng bán xuyên biên giới, phân phối rộng rãi vào thị trường Việt Nam.

Ông Đặng Tiến Hoàng (Livestreamer ViruSs), chuyên gia về thương mại mạng xã hội với kinh nghiệm 13 năm làm livestream (hiện đang quản lý khoảng 300 nhân viên) cho rằng, các DN Việt Nam hãy cố gắng học livestream bán hàng, vì đó là phương thức rẻ và hiệu quả nhất. Để làm livestream bán hàng, các DN chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống. Theo các báo cáo cho thấy, trang livestream Tiktok thấp nhất cũng tiếp cận hơn 250 người.

Với kinh nghiệm trực tiếp tìm hiểu và giảng dạy ở Trung Quốc, ông Hoàng cho biết, các DN Trung Quốc luôn sẵn sàng thử nghiệm những công cụ, công nghệ mới ngay khi mới ra đời. Trong khi đó, khi đi nói chuyện với các DN Việt Nam thì nhận thấy một xu hướng ngược lại, đó là cảm giác e ngại về công nghệ.

Có thể nói, thời gian trước mắt, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với DN về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục NTD, mở rộng thị trường. Trong khi sức mua thấp, DN bán hàng kém, nhưng tâm lý sính ngoại của NTD vẫn còn khá phổ biến, khiến nhiều DN trong nước lo ngại vì áp lực cạnh tranh, bởi hơn 90% DN Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Theo đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, do Thủ tướng Chính phủ ban hành, với mục tiêu là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống. Nhiều NTD cho rằng, để tiêu thụ mạnh mẽ hàng Việt thì song song thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì DN cũng cần sản xuất ra sản phẩm chất lượng để “Hàng Việt Nam chinh phục NTD Việt Nam”.

Thúy Hà
.
.
.