Để tránh bị lừa khi đặt mua thực phẩm thiết yếu qua mạng

Thứ Năm, 09/09/2021, 09:02

Theo khảo sát của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu đặt hàng đi chợ hộ của người dân trong 2 tuần giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến ngày 6/8 là 1.943.679 hộ (chiếm 72,24% tổng số hộ dân trên địa bàn TP); bên cạnh đó, ngoài đặt hàng đi chợ hộ, rất nhiều hộ dân chọn mua hàng trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Group hội nhóm..., trong khi đó, kênh mua sắm này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên không ít người đã bị lừa, mất tiền oan khi đặt mua các loại thực phẩm...

Khi mô hình đi chợ hộ được triển khai, rất nhiều hộ dân khó tự mua thực phẩm. Chính vì vậy, rất nhiều gia đình đã tìm mua thực phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, các group hội nhóm… và không ít người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.

Hình thức lừa đảo phổ biến là người bán đăng những mặt hàng lương thực, thực phẩm mà người dân đang rất cần tiêu dùng hàng ngày trên các group cư dân, thậm chí các đối tượng còn bỏ tiền ra để chạy quảng cáo trang bán hàng để tiếp cận được nhiều người dùng và đặc biệt giá sản phẩm đăng lên những trang, group, này có giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.

online_1-1631149404188.jpg
Siêu thị chuẩn bị lượng lớn nguồn hàng để phục vụ người dân.

Thế nhưng, sau khi khách hàng đặt mua và chuyển khoản thì các đối tượng nhanh chóng chặn Facebook, Zalo, điện thoại của người mua hàng.Chị Thanh Hậu (ngụ quận 7) cho biết, tham gia nhiều group khác nhau để tìm người bán và giao hàng nội quận. Cuối cùng, chị tìm được một group của đội thanh niên tình nguyện "đi chợ giúp cho dân" và miễn phí vận chuyển. Đặc biệt, bảng giá hàng chục mặt hàng rau củ quả và thực phẩm tươi sống đăng lên để người dân lựa chọn, có giá rẻ hơn giá siêu thị khoảng 15- 20%.

Thấy giá rẻ, miễn phí vận chuyển lại giao hàng ngay trong ngày nên chị chọn một số mặt hàng cần mua và gửi vào tin nhắn theo yêu cầu. Ngay sau đó chị nhận được phản hồi phải chuyển khoản trước để họ lấy tiền này đi mua hàng giúp chị, kèm theo đó là số tài khoản của… kế toán. "Tôi không nghi ngờ gì vì nghĩ đây là đội tình nguyện viên, họ chỉ đi mua thực phẩm giúp cho dân chứ không phải là người bán hàng, nên tôi đã chuyển tiền hàng vào tài khoản được cung cấp. Tuy nhiên, khi tôi vừa chuyển xong thì tài khoản này chặn luôn Facebook của tôi", chị Hậu bức xúc.

 Không riêng chị Hậu, rất nhiều người khi đặt mua thực phẩm trên các trang mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu họ chuyển khoản trước số tiền đúng theo trị giá của đơn hàng với những lý do: Tránh tình trạng bị "bom" hàng, đặt trước để giữ hàng chứ cung không đủ cầu, chuyển khoản trước để lấy tiền "đi chợ giúp"…

Các trang bán hàng này không có địa chỉ cụ thể, không có số điện thoại để liên lạc, nhưng nhiều người vì cần có thực phẩm để sử dụng nên vẫn chấp nhận chuyển tiền trước, chấp nhận rủi ro. Chị Thu Minh (chủ cửa hàng thực phẩm ở quận 8) cho biết: "Rất ít người kinh doanh đàng hoàng lại yêu cầu khách chuyển khoản trước trong bối cảnh hiện nay vì rất khó đủ số lượng hàng mà khách đặt, chưa kể việc giao hàng cũng khó đúng theo lịch hẹn".

Theo tìm hiểu, không chỉ lừa đảo trên các trang mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: Saigon Co.op, Bách hóa Xanh, Satrafoods…, yêu cầu khách hàng phải chuyển khoản, trước khi giao hàng. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Đã có dấu hiệu lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng. Vì vậy, người dân nên liên hệ trực tiếp Tổ trưởng Tổ dân phố, Hội Phụ nữ hoặc đoàn thể tại các phường đăng ký "đi chợ hộ"để tránh bị lừa".

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động gồm: 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Tổng số hộ đã được cung ứng hàng hóa chiếm đến 94,9% so với số đăng ký và tổng số hộ gia đình khó khăn được cấp túi an sinh là 1.102.560 hộ (đạt tỷ lệ 79,33%).

Về nguồn hàng, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo các hệ thống phân phối chủ động dự trữ, tăng cường nguồn hàng cung ứng lương thực, thực phẩm, đồng thời bổ sung nhân sự để soạn hàng, giao hàng cho người dân, nhưng nhìn chung, số lượng nhân viên soạn hàng, giao hàng của các siêu thị, cửa hàng vẫn còn ít, nên số đơn hàng giao cho người dân chưa cao, như huyện Bình Chánh chỉ đạt 78,4%, quận Phú Nhuận đạt 85,5%...

Vì vậy, để tiếp tục đảm bảo cung ứng hàng hóa trên cơ sở phát huy các hệ thống phân phối hiện có và đội ngũ giao nhận hàng hóa chuyên nghiệp (shipper), Sở Công thương đề xuất UBND TP cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được hoạt động trở lại từ 6 - 21h hàng ngày. Đồng thời cho phép đội ngũ shipper hoạt động từ 6 - 21h hàng ngày, để phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.

Thúy Hà
.
.
.