Để ba dãy cù lao sạch và xanh
Không chỉ chú trọng bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường đất, nước và không khí; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải; tập trung giải quyết và chặn đứng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên,… cấp ủy, chính quyền và người dân ở xứ Dừa đang sôi nổi thực hiện nhiều đề án bảo vệ môi trường thật sự ý nghĩa, để cao lao mãi xanh...
100% xã đạt tiêu chí môi trường
Với mục tiêu xây dựng “Bến Tre xanh”, một địa phương đáng sống trong tương lai, chính quyền, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang dồn sức thực hiện Đề án trồng 10 triệu cây xanh, Đề án “Bến Tre xanh”; tăng cường triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cả tỉnh đang phấn đấu đến 2025, 100% xã đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Với Đề án trồng 10 triệu cây xanh, theo lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, hưởng ứng lời kêu gọi "Vì một Việt Nam xanh", trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bến Tre đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh, trong đó, trên 8,2 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và gần 1,8 triệu cây tập trung trong rừng phòng hộ, rừng trồng sản xuất.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án vừa kể, đến nay toàn tỉnh đã trồng được 2,6 triệu cây xanh các loại, đạt 26% chỉ tiêu đề án.
Cuối tháng 10/2024 vừa qua, tại lễ vận động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng Ban điều hành Đề án cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2025, được sự thống nhất chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Điều hành Đề án đã phát hành thư ngỏ vận động các cơ quan, doanh nghiệp, đồng hương Bến Tre tại các địa phương và phát hành văn bản vận động đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự nguyện đóng góp kinh phí thực hiện Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Hưởng ứng phát động của tỉnh, ngay từ những ngày đầu, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp triển khai kế hoạch hành động rất cụ thể, thiết thực.
Chẳng hạn như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam trong 3 năm qua đã hỗ trợ tỉnh thực hiện trồng 31.200 cây phân tán, trồng mới và khoanh nuôi 40 ha rừng (tương đương hơn 139.000 cây) với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Cuối tháng 9/2024 vừa qua, doanh nghiệp này tiếp tục hỗ trợ kinh phí thực hiện “Dự án trồng mới 15 ha rừng phi lao, rừng phòng hộ" tại 2 huyện biển của tỉnh là Ba Tri và Bình Đại, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
Ban Điều hành Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre cho biết, tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 167 tỷ đồng được xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; và có sử dụng một phần ngân sách địa phương cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá.kinh phí thực hiện. Chỉ tính riêng từ 4/2024 đến giữa 10/2024, kết quả thực hiện vận động nguồn lực khoảng 1,36 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp hỗ trợ bằng hiện vật là 1,1 tỷ đồng; Ban điều hành đề án đã phân bổ cho các sở, ngành, địa phương tổ chức trồng cây phân tán hơn 56.000 cây các loại…
Gìn giữ, gia cố… “bức tường xanh”
Là tỉnh được hình thành bởi 3 cù lao lớn, đặc biệt là bờ biển dài 65km, Bến Tre hiện có 4.441,02 ha đất có rừng, trong đó có 1.865,23 ha rừng đặc dụng, 2.291,82 ha rừng phòng hộ và 283,97 ha rừng sản xuất, với tỷ lệ che phủ rừng 1,78 %. Bến Tre cũng là tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nhất là triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Vài năm trở lại đây, chỉ riêng nước biển xâm thực đã làm thiệt hại trên 155ha rừng và mất khoảng 200ha đất sản xuất của người dân.
Sự hiện diện của đai rừng phòng hộ, rừng ngập mặn – được ví như “bức tưởng xanh” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc chắn sóng hạn chế xói lở và bảo vệ vùng sản xuất nông – lâm - diêm nghiệp cho người dân, bảo vệ môi trường, nhất là ứng phó với tình hình BĐKH phức tạp như vừa qua và trong tương lai.
Nhận thức đầy đủ giá trị của “bức tường xanh”, Bến Tre cũng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có gìn giữ và trồng rừng ngập mặn ven biển. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng cũng như bảo vệ cây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Chỉ tính từ 2020 đến nay, tỉnh đã trồng mới thêm 205ha rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 82ha. Phần lớn diện tích rừng của Bến Tre được đơn vị chức năng tổ chức ký kết hợp đồng giao khoán với diện tích 2.921ha cho người dân địa phương quản lý, bảo vệ. Nhờ vậy trên từng lô rừng đã thực sự có chủ thể trực tiếp quản lý bảo vệ nên hạn chế xảy ra các vụ việc vi phạm đến rừng, đất rừng.
“Thời gian tới, bên cạnh việc phát huy, nâng cao giá trị về bảo vệ môi trường gắn phát triển kinh tế với các ngành nông - lâm - ngư nghiệp từ lợi ích của những cánh rừng ngập mặn, Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật lâm nghiệp và đa dạng sinh học, về giá trị, vai trò tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển cũng như các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, quan tâm tìm kiếm, thu hút đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai những dự án nghiên cứu chuyên sâu về hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhằm thực hiện việc cải tạo, nâng cao chất lượng rừng, qua đó tăng cường năng lực phòng hộ của rừng trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng”, Gíam đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ thêm.