Đẩy mạnh xuất khẩu vùng ĐBSCL

Thứ Ba, 17/09/2024, 07:13

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều nhóm ngành hàng đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Tuy có nhiều thế mạnh, song kinh tế của vùng vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Các địa phương phải đối mặt với những khó khăn trong xuất khẩu, xuất khẩu nông sản theo hình thức trao đổi thương mại biên giới (tiểu ngạch) vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL đạt 15,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2023, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 7,59 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 3,57% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Cán cân thương mại của vùng đạt thặng dư 8,11 tỷ USD, tương đương với 3,56% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là Long An (4,35 tỷ USD), Tiền Giang (3,66 tỷ USD), Đồng Tháp (1,42 tỷ USD), Sóc Trăng (1,04 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu của 12/13 tỉnh, thành phố (trừ Cà Mau) đạt kết quả tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh xuất khẩu vùng ĐBSCL -0
Năm 2024, ngành hàng cá tra đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD.

Vùng ĐBSCL có đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông - thủy sản chủ lực như gạo, thủy sản (tôm, cá tra,...) và rau quả, trái cây như sầu riêng, thanh long, mít, xoài,... Thống kê của Bộ Công Thương, nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm,... phần lớn đến từ ĐBSCL. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL là 7,6 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, tuy có nhiều thế mạnh, song kinh tế vùng ĐBSCL được nhìn nhận là phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài ra, việc phát triển này còn đứng trước những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn... Vì vậy, đánh giá đúng tiềm năng, thách thức, có những giải pháp phát triển phù hợp là rất cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Ngoài ra, vùng ĐBSCL đối mặt với những khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, do chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng thị trường. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Xuất khẩu nông sản theo hình thức trao đổi thương mại biên giới (tiểu ngạch) vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản,... do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy rất dễ xảy ra. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phát triển chưa đồng đều, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Theo ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường thế giới và luật pháp quốc tế; chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ; chưa chủ động tiếp cận thị trường mới. Còn ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chỉ ra ĐBSCL còn thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ xúc tiến thương mại. Nhiều địa phương chưa có đủ các trung tâm hội nghị, triển lãm hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức các sự kiện quy mô lớn, thu hút đầu tư và quảng bá sản phẩm.

Để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững…

Văn Vĩnh

.
.
.