Đẩy mạnh và đổi mới truyền thông, tận dụng cơ hội phục hồi du lịch
Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội nhưng du lịch vẫn là nhu cầu quan trọng, được quan tâm. Bên cạnh các thách thức, du lịch hiện nay vẫn đang có nhiều cơ hội. Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, khi trao đổi về truyền thông du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới.
Du lịch Việt vẫn còn nhiều lợi thế
Thực tế, năm 2020 và 2021, ngành du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng loạt giải thưởng quốc tế uy tín. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là Điểm đến Văn hóa, Điểm đến Di sản và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất châu Á. Tạp chí Travel+Leisure của Mỹ đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến dành cho du lịch cá nhân năm 2021.
CNTravel cũng lựa chọn Việt Nam ở vị trí thứ 13 trong xếp hạng 21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch COVID-19… Trong khi đó, nhiều khảo sát cho thấy, nhu cầu du lịch vẫn tăng cao.
Khảo sát của Booking.com với hơn 28.000 người từ 28 quốc gia trên khắp thế giới cho thấy rất nhiều du khách mong chờ được đi du lịch trở lại ngay trong năm 2021. Hơn 60% số câu trả lời cho rằng, việc không thể du lịch thoải mái trong năm 2020 đã khiến họ khao khát các chuyến đi hơn; và du lịch trở thành nhu cầu quan trọng hơn nhiều so với trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19.
Điều tra vào tháng 3, 4/2021 của Hội đồng tư vấn du lịch cũng cho thấy, khách du lịch nội địa khá sẵn sàng quay lại hoạt động du lịch, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Với kỳ vọng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, khả năng quay trở lại của khách du lịch là khá cao (gần 30% sẵn sàng đi du lịch ngay; trên 50% sẵn sàng đi du lịch trong mùa du lịch tiếp theo, 70% trả lời sẽ đi du lịch bằng phương tiện máy bay).
Ngành du lịch đang có sự quan tâm và hỗ trợ về mặt chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành. Đầu tháng 11, Chính phủ đã đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, theo đề nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Sau 2 tháng thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng, Việt Nam đã đón được xấp xỉ 8.000 khách. Dự kiến, vào quý 2 năm 2022, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Cần đánh giá xu hướng du lịch và tăng cường, đổi mới về truyền thông
Khẳng định du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Phạm Văn Thuỷ cũng cho rằng, đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc hành vi, nhu cầu của khách du lịch, cách hoạt động của điểm đến, các doanh nghiệp du lịch. Cần đánh giá, nhận định được xu hướng phát triển của ngành du lịch cũng như nhu cầu của du khách sau đại dịch, từ đó sẽ gợi mở các cơ hội phát triển cho ngành du lịch trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, du lịch Việt cũng đối diện với nhiều thách thức, trong đó có cạnh tranh với các thị trường du lịch quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore,… Hiện các quốc gia trong khu vực cũng đang từng bước khôi phục thị trường du lịch và sẽ ban hành nhiều chính sách thu hút khách du lịch trong thời gian tới.
Thái Lan dự kiến khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế tại đảo Phuket và một số điểm du lịch khác. Trung Quốc đã chấp nhận xác nhận y tế như là một điều kiện cho các hoạt động tự do trong nước và giao thương quốc tế. Singapore áp dụng mô hình giải pháp “Bong bóng du lịch” và thỏa thuận “Làn xanh đối ứng”… Nhiều người lao động bỏ ngành là bất lợi lớn đối với ngành du lịch sau đại dịch.
Ông Thuỷ cũng cho rằng, để tận dụng được cơ hội và vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh bình thường mới thì truyền thông có vai trò quan trọng. Truyền thông, quảng bá các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh mới, việc ứng dụng công nghệ 4.0, Big Data như hoạt động số hoá dữ liệu bảo tàng; ứng dụng công nghệ AI trong thuyết minh và thuyết minh viên điện tử; tổ chức triển lãm và biểu diễn nghệ thuật trực tuyến, livestream sự kiện,… trong quá trình truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hoá, nghệ thuật của Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế là một trong những bước đột phá, vừa tăng độ phủ tiếp cận, mở rộng khách hàng, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ và đa dạng tài nguyên du lịch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, cơ cấu lại thị trường khách du lịch, đa dạng hóa cách thức truyền tải thông điệp về hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Cần đẩy mạnh, liên kết hợp tác trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, cụ thể là đẩy mạnh liên kết với các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước, chủ động cung cấp nội dung thông tin kịp thời, chính xác để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về hoạt động của ngành du lịch. Tăng cường hợp tác với các tập đoàn quốc tế như Google, Agoda, Adobe, Netflix…
Ứng dụng công nghệ hỗ trợ nâng cao hiệu quả truyền thông du lịch có vai trò quan trọng. Cần đổi mới công nghệ website, phát triển những ứng dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng tốt hơn trải nghiệm người dùng, mở rộng khai thác hiệu quả truyền thông trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram, Pinterest, Tiktok, trên hệ thống truyền thông đa phương tiện…