Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xuất khẩu
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì nhu cầu làm sao đa dạng hóa kênh bán hàng, đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu được chi phí hoạt động tiếp thị, sản xuất - kinh doanh là vấn đề được doanh nghiệp (DN) ưu tiên hàng đầu hiện nay…
Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (XTTM) trong thời gian qua đã cho thấy được hiệu quả thiết thực, giúp DN duy trì các kênh tiêu thụ, tiết kiệm chi phí, khắc phục khó khăn về khoảng cách, địa lý, thời gian và từng bước hỗ trợ DN đẩy mạnh tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục XTTM - Bộ Công thương nhìn nhận: “Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực. Trong đó, ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị đang dần trở nên phổ biến hơn như: Ứng dụng Blockchain trong logictics, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mô hình thương mại không giấy tờ… Trong lĩnh vực XTTM, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số không ngừng biến đổi và ngày càng đa dạng hơn, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số”.
Cũng để hỗ trợ DN tiếp cận xu hướng CNTT, cập nhật từng bước đưa các giải pháp phù hợp vào thực tế sản xuất kinh doanh, Cục XTTM đã tổ chức nhiều sự kiện đào tạo cho DN về TMĐT, ứng dụng CNTT và từng bước chuyển đổi số. Mới đây, Cục XTTM đã tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực XTTM thông qua kênh TMĐT” cho hơn 100 DN tại phía Nam.
Tại buổi tập huấn, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, trong số các thị trường xuất khẩu (XK) của Việt Nam, thì Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường XK lớn nhất. Theo thống kê từ Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 68,87 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 28,6% tổng kim ngạch XK cả nước.
“Vì vậy, để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, mỗi DN phải lựa chọn phương thức phù hợp. Nếu là DN nhỏ, nên tận dụng việc bán hàng thông qua các kênh TMĐT phổ biến tại Hoa Kỳ để xúc tiến XK hàng hóa, tiếp cận khách hàng toàn cầu. Bên cạnh đó, DN cũng cần cập nhật thường xuyên những quy định về yêu cầu pháp lý của thị trường; yêu cầu về quy định chứng nhận xuất xứ hàng hóa…”, bà An chia sẻ.
Nói đến TMĐT xuyên biên giới, thì không thể không nói đến 2 người “khổng lồ” là Alibaba và Amazon. Với các trang TMĐT của Amazon, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng quốc tế, trong đó có hơn 200 triệu thành viên Prime, từ đó giúp gia tăng XK và phát triển thương hiệu toàn cầu. Riêng năm 2020, số lượng nhà bán hàng Việt Nam có doanh số bán hàng vượt mốc 1 triệu USD đã tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Hiện, các DN Việt Nam có thể triển khai bán hàng trên toàn cầu, không chỉ tập trung tại Mỹ mà còn thúc đẩy XK sang nhiều thị trường khác. Sản phẩm ưa chuộng và bán chạy nhất trên Amazon trong thời gian gần đây chính là những sản phẩm rất đặc trưng cuả Việt Nam như: mây, tre, chiếu cói, lục bình, đồ dùng nhà bếp… ; Tương tự, với sàn TMĐT toàn cầu Alibaba, DN cũng sẽ có cơ hội tiếp cận hơn 430.000 người mua hàng hàng ngày đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đại diện của Alibaba, trong quý 1/2021 lượng người mua trên Alibaba tăng 69%, trong đó người mua thanh toán trên sàn tăng 147%.
Top 10 ngành hàng XK của Việt Nam trên sàn TMĐT Alibaba gồm các ngành hàng: thực phẩm đồ uống, hóa mỹ phẩm, nông sản, nhà cửa và vườn tược, vật liệu xây dựng và bất động sản, in ấn và đóng gói, quần áo, nội thất, quà tặng, cơ khí máy móc. Đặc biệt, ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) là một danh mục mới nổi nhưng có tiềm năng lớn. Nguồn cung của ngành F&B hiện đang rất thiếu hụt trên sàn TMĐT Alibaba.
Là DN nằm trong số 100 nhà XK hàng đầu trên Alibaba.com năm 2020, bà Đoàn Trần Thùy Linh – Giám đốc Công ty CP TM sản phẩm Kim Cương Xanh (chuyên sản phẩm cà phê) chia sẻ, DN có 5 năm bán sỉ XK truyền thống và 4 năm bán lẻ online. Trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên của dịch COVID -19, mọi hoạt động kinh doanh đều ngưng trệ, doanh thu mảng cung ứng cà phê của DN gần như bằng 0. Nhưng nhờ có mảng bán lẻ online, DN tiếp tục tồn tại, phát triển. Từ bán lẻ online, DN tìm hiểu thêm XK online, và nhận thấy đây chính là xu hướng để phát triển nên DN đã thực hiện chuyển đổi số ngay.
Cụ thể, so với bán hàng truyền thống offline, thì bán hàng online có những ưu điểm hơn như: sản phẩm được phân phối theo các website TMĐT không bị giới hạn về thời gian và không gian; hàng hóa lưu kho tập trung; dữ liệu bán hàng được cập nhật nhanh chóng, vốn đầu tư thấp hơn và quy mô kinh doanh dễ tăng trưởng hơn kinh doanh truyền thống. “Bắt đầu XK online với sàn TMĐT B2B của Alibaba.com, sau 2 năm chúng tôi đã XK được cà phê rang xay sang Thái Lan và Malaysia. Đây là 2 thị trường có độ cạnh tranh rất cao trong ngành này”, bà Linh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, xu hướng tỉ trọng TMĐT xuyên biên giới toàn cầu từ năm 2014-2020 đã tăng từ 17% lên đến 41%. Giao dịch TMĐT xuyên biên giới toàn cầu năm 2021 đến nay ước tính đạt 1.250 tỷ USD. Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp DN tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường XNK, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định”. Cũng theo VECOM, sàn TMĐT trong những năm gần đây đã tỏ rõ là kênh đầu ra cho nông sản hiệu quả như đã đưa sản phẩm dừa ở Bến Tre, sen Đồng Tháp lên online … và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên một số sàn TMĐT.
Theo đại diện Cục XTTM, Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ đề án “Đẩy mạnh CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM” và một trong những giải pháp cốt lõi của đề án sẽ được tập trung triển khai ngay sau khi được phê duyệt là: Xây dựng phát triển hệ sinh thái XTTM số. Đây là hệ sinh thái giúp cho các nền tảng số, các ứng dụng CNTT hỗ trợ trong việc cung cấp thực hiện các dịch vụ hoạt động XTTM với chủ thể chính được phục vụ, hỗ trợ là DN, HTX, hộ kinh doanh.
Một số nền tảng chính của hệ sinh thái XTTM số như: nền tảng hội chợ - triển lãm trên môi trường số, nền tảng khuyến mại trên môi trường số, các ứng dụng số khác phục vụ XTTM trong kết nối kinh doanh trực tuyến, tư vấn đào tạo, truy xuất XTTM…