Đầu tư FDI tăng mạnh cả vốn và dự án mới
Vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ 2022. Đây là những con số cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam, dù kinh tế thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Dự báo trong 6 tháng cuối năm dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ còn có những tín hiệu tích cực hơn nữa bởi nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt trên 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% (tức giảm 4,3%) so với cùng kỳ năm 2022.
Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, mức giảm này đã được cải thiện so với cùng kỳ 2022 giảm 8,1%, và khi phân tích chi tiết sẽ cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút ĐTNN, cụ thể: Vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ 2022; vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 79%.
Chỉ có vốn đăng ký tăng thêm (chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký) giảm 57,1% nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 29,8% so với cùng kỳ. Mức tăng, giảm chi tiết này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn nên vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Theo bà Nga, tốc độ tăng số dự án mới (tăng 71,9%) lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (tăng 31,3%) cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới; các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài gần 2,27 tỷ USD, chiếm gần 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội Vũ Duy Tuấn, đạt được kết quả trên là nhờ có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam. Thành phố đã xây dựng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư, đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp, nhất là khu công nghệ cao.
Vì vậy, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đầu tư tại Hà Nội đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, các tập đoàn FDI lớn khẳng định lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong khuôn khổ "Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore" lần đầu tổ chức tại Hà Nội, Ngân hàng UOB lên kế hoạch thúc đẩy thêm dòng vốn FDI vào Việt Nam thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT).
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam, coi Việt Nam là địa bàn chiến lược, cứ điểm đầu tư quan trọng trên toàn cầu với các dự án đầu tư cụ thể, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Theo đó, sẽ có nhiều công ty Hàn Quốc khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam, nhờ vào hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do và chi phí lao động cạnh tranh.
Cùng với đó, thông tin về một số tập đoàn lớn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ góp phần tạo động lực cho các nhà đầu tư khác tới Việt Nam. Bởi, các dự án lớn sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh.
Từ những số liệu trên cho thấy, có những tín hiệu tích cực về dòng vốn FDI dịch chuyển trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng chậm lại, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả.
Trong đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia. Đồng thời, chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng.