Đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

Thứ Ba, 12/10/2021, 08:48

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng kinh doanh mua, bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, đã gây thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân cũng như ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh mặt hàng này, Công an tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh, xử lý tình trạng trên, trong đó việc thành lập Tổ liên ngành chống buôn lậu của tỉnh đã cho thấy những hiệu quả tích cực.

Qua tìm hiểu và ghi nhận thực tế của phóng viên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang cơ bản được kiềm chế nhưng từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Cụ thể như, tại các “điểm nóng” trên tuyến biên giới như: TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu, các huyện Tịnh Biên, An Phú, dù hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại có phần “hạ nhiệt” nhưng vì nguồn lợi bất chính, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ. Phía ngoại biên đối diện, sát biên giới của tỉnh An Giang đang tồn tại 26 kho hàng, điểm tập kết hàng hóa. Trong đó, nhóm hàng phân bón, thuốc BVTV được các đầu nậu trữ hàng, tìm cách đưa sang Việt Nam, chuyển đến các điểm tiêu thụ tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, lợi dụng hiểu biết hạn chế, tâm lý ham mua hàng giá rẻ của một số nông dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng quảng cáo, đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn nhằm buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân. Thời gian qua, tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, xuất hiện tình trạng các đối tượng sản xuất phân bón, thuốc BVTV giả, nhái thương hiệu. Thậm chí, trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định, nhãn hàng hoá có thông tin không đúng bản chất, sự thật, hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả -0
Tổ liên ngành chống tội phạm buôn lậu tỉnh An Giang kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên các địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán, hoạt động lén lút, tinh vi gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn còn chưa thật sự tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật của nhiều quần chúng nhân dân, vẫn còn hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu hoặc tham gia vận chuyển phân bón, thuốc BVTV ở các địa bàn biên giới…

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh An Giang, mà chủ công là lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…

Đặc biệt, từ tháng 9/2020, Công an tỉnh An Giang đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành với 10 tổ công tác gồm các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Hải quan, Quản lý thị trường (QLTT) và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới thuộc địa bàn các huyện An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và TP Châu Đốc, phân công rõ trách nhiệm từng lực lượng hỗ trợ lẫn nhau chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Qua đó, công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động thẩm lậu các loại hàng hóa qua biên giới. CBCS làm nhiệm vụ còn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.

Đồng thời, công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp như các phòng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh… đã thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện những vi phạm, sai phạm của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an toàn tỉnh An Giang đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan, bắt 23 vụ với 16 đối tượng (16 vụ có chủ và 7 vụ vô chủ) về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng tang vật là 45.117 chai, can, gói thuốc BVTV các loại. Trong đó, tịch thu, buộc tiêu hủy 3 vụ với 3.457 chai, can, gói thuốc BVTV; đang điều tra xác minh 7 vụ với 4 đối tượng; chuyển cơ quan Quản lý thị trường 2 vụ với 1 đối tượng; ra quyết định xử phạt VPHC 11 vụ với 11 đối tượng…

Mới đây, ngày 9/10, tổ liên ngành chống buôn lậu của An Giang phối hợp với Đội QLTT số 1, thuộc Chi cục QLTT tỉnh An Giang tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Đức An tại ấp Đồng Ky (xã Quốc Thái, huyện An Phú) do ông Trần Văn An (SN 1970) làm chủ. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại nơi trưng bày và kho cửa hàng của ông An có chứa trên 12.180 chai, gói thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón… đã hết hạn sử dụng…

Hay trước đó, vào trưa 25/9, tổ liên ngành đã đồng loạt kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Thành Phê (tại ấp Phước Thạnh, xã Phước Hưng, huyện An Phú) do ông Nguyễn Thành Phê (SN 1962) làm chủ và cửa hàng kinh doanh Thành Phê 2 (tại ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện An Phú) do bà Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1988) làm chủ. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên 7.700 bao, chai, can và gói thuốc BVTV các loại không hóa đơn chứng từ.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho rằng, thời gian tới, ngành chức năng các cấp cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong kinh doanh và sản xuất phân bón, thuốc BVTV. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình thị trường vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực của tổ chức kiểm nghiệm, giám định, công bố hợp quy, hợp chuẩn. Từ đó đưa ra kết quả giám định sớm và phải chịu trách nhiệm bởi cơ quan kiểm tra chỉ căn cứ vào đó giải quyết vụ việc vì thời gian kiểm định, kiểm mẫu kéo dài và trả kết quả rất chậm. Tập trung thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn diện việc cấp và quản lý giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành…

Mặt khác, kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp phân bón, thuốc BVTV quan tâm chất lượng, giá cả, không tiếp tay, cung cấp sản phẩm không đúng quy định. Về phía các cơ quan chức năng phải tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xảy ra thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Trần Lĩnh
.
.
.