Đảm bảo bình ổn giá xăng dầu, tránh lạm phát
Theo Phó Thủ tướng, cần sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước.
Giá xăng dầu tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít từ chiều 11/2 đã đưa giá xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít với xăng với RON 95 - mức cao nhất từ tháng 8/2014.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.
Không chỉ xăng dầu tăng giá, ngay từ đầu tháng 2, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 16.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới tăng 50 USD/tấn (từ mức 725 USD/tấn lên mức 775 USD/tấn).
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Từ đó gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất. Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, cần sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước.
Trước tình trạng một số mặt hàng có xu hướng tăng giá từ đầu năm, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu, ngày 10/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ban hành Văn bản số 882/VPCP-KTTH yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan triển khai rà soát, sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, trọng tâm là xây dựng Luật Giá (sửa đổi), tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm.