Cuối năm, hàng giả, hàng lậu lại “diễn xiếc”
Ngày 18/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện số lượng lớn hàng hóa được vận chuyển trên 3 chuyến bay từ phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh.
Trong đó, phần lớn hàng hóa là những mặt hàng có gía trị lớn như iPhone, máy tính bảng, laptop... và nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, điện thoại, đồng hồ… được bán qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT) trên đường vận chuyển để giao cho khách hàng.
Tại thời điểm kiểm tra, số hàng trên không có hóa đơn chứng từ kèm theo để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Cơ quan chức năng đã niêm phong, tạm giữ chuyển về kho QLTT và mời chủ hàng lên để làm việc. Theo thông tin ban đầu, số hàng trên không chỉ bán cho khách hàng ở TP Hồ Chí Minh mà còn đưa đi một số tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương...
Ngày 15/12, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận 12 phối hợp Đội QLTT số 12 - Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra nhiều kho hàng tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, đã niêm phong, tạm giữ hàng chục ngàn sản phẩm gồm đồ gia dụng, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 4/12, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho xưởng sản xuất mỹ phẩm của chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ hóa mỹ phẩm T.L.T tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, phát hiện công nhân đang sản xuất nhiều loại hóa mỹ phẩm như nước rửa tay, dầu gội đầu, sữa tắm… Tại hiện trường, có hơn 5.500 sản phẩm hóa mỹ phẩm các loại, một số hóa chất công nghiệp nguyên liệu và các loại máy móc dùng để sản xuất. Ngay khi kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất mỹ phẩm theo quy định. Hàng hóa sản xuất tại đây được bỏ sỉ ở các chợ, hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ước tính số hàng trên có trị giá gần 400 triệu đồng...
Có thể thấy, để cung ứng hàng hóa cho thị trường cuối năm, từ khoảng đầu tháng 10 trở đi là thời gian cao điểm thì các đối tượng bắt đầu tìm mọi cách tuồn hàng lậu vào thị trường nội địa, hoặc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng để dự trữ sẵn tại các kho hàng, chờ thời điểm thích hợp đưa ra thị trường tiêu thụ.
Từ trước đến nay, mặt hàng thuốc lá lậu được các đối tượng vận chuyển chủ yếu từ các huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An) lén lút đưa vào TP Hồ Chí Minh, sau đó phân phối đi các tỉnh; Đường cát (xuất xứ Thái Lan, Campuchia), nước uống tăng lực, chủ yếu nhập lậu vào tỉnh Kiên Giang, sau đó đưa lên thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Các mặt hàng quần áo, bánh kẹo, túi xách, iPhone, iPad… nhập lậu từ Trung Quốc, được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh để “tập kết” và từ đó phân phối cho thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, điều khác biệt trong năm nay, ngoài những “cung đường” hàng lậu nêu trên, các đối tượng cũng sử dụng thủ đoạn mới là tuồn hàng lậu vào thị trường nội địa bằng hình thức “đội lốt” hàng quá cảnh, nhưng thực ra đó vừa là hàng giả, vừa là hàng lậu.
Điển hình, Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra lô hàng nhập khẩu của một DN, phát hiện hàng hóa là giày thể thao, túi xách mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Dior, ghi xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hải quan TP Hồ Chí Minh, lô hàng này là giả nhãn hiệu, được nhập khẩu thông qua hình thức quá cảnh sang Campuchia, nhưng xuất xứ hàng hóa thể hiện sản xuất tại Việt Nam. Khi thẩm lậu ngược vào thị trường Việt Nam sẽ thành hàng hóa do những công ty có thương hiệu của nước ngoài đặt tại Việt Nam sản xuất.
Ngoài tình trạng nhập khẩu hàng sai nhãn hiệu, sai xuất xứ để tiêu thụ tại thị trường nội địa, có rất nhiều mặt hàng sản xuất ở nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “Sản xuất tại Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam”... hoặc trên bao bì, nhãn mác, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về địa chỉ trụ sở DN, website để lừa người tiêu dùng (NTD). Cơ quan Hải quan cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để xử lý trường hợp một DN nhập khẩu nệm cao su, nệm mỏng bên ngoài là “Made in China” nhưng bên trong sản phẩm lại ghi “Made in Vietnam”.
Là một trong những DN có hàng hóa bị làm giả nhiều nhất, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cũng nhìn nhận: “Các đối tượng làm sản phẩm giả rất tinh vi, sản phẩm Nón Sơn giả nhìn giống đến 95% so với sản phẩm thật. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì mới phát hiện chất lượng hàng giả khác xa hàng thật, bởi hàng giả sử dụng nguyên liệu nhựa phế phẩm để sản xuất, nên sẽ rất nguy hiểm đến người sử dụng nếu gặp sự cố xảy ra”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, bán hàng trực tuyến do không có những cửa hàng cố định nên DN cũng như NTD khó phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ đến khi NTD gọi điện đến DN để phản ánh, khi đó DN mới tá hoả nhận ra hàng hoá của mình đang bị làm giả. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng lậu cũng không thể truy đuổi cho đến cùng, bởi vì khi thấy “động” thì họ “biến” rất nhanh và lại xuất hiện ở nơi khác.
Trước tình trạng trên, cơ quan QLTT và Công an TP Hồ Chí Minh đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đảm bảo ổn định thị trường. Ngoài kiểm tra những nơi chứa hàng, những điểm kinh doanh trực tiếp tại các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… thì hoạt động kinh doanh online trên TMĐT cũng sẽ được tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhằm ổn định thị trường, bảo vệ NTD và DN sản xuất, kinh doanh chân chính.